Bác sĩ cảnh báo: Sử dụng thực phẩm chứa chất cấm nguy cơ mắc bệnh tự miễn ác tính

author 11:23 03/08/2022

(VietQ.vn) - Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y TP.HCM vừa đưa ra khuyến cáo rằng, nếu sử dụng thực phẩm tồn dư chất cấm trong thời gian dài có thể tàn phá cơ thể nhanh chóng.

Cụ thể, thông tin trên báo VnExpress, bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3 cho biết, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc kháng sinh điều trị cho vật nuôi là cần thiết để đảm bảo nguồn sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, lạm dụng hoặc dùng sai quy cách các nhóm thuốc này khiến chúng tồn dư trên thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bác sĩ Ngân cho biết thêm, nếu hấp thu lượng chất độc nhỏ trong thời gian dài, cơ thể sẽ đối diện với nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa, tự miễn ác tính - tăng gấp nhiều lần so với ba thập kỷ trước. Tình trạng dị ứng và ngộ độc thực phẩm cũng xảy ra thường xuyên hơn ở các vùng miền, khi mà nguồn thủy hải sản cũng tồn dư kháng sinh cấm (Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrofloxacin).

Ở một số cá nhân, khi ăn thực phẩm chứa hóa chất tồn dư, phản ứng cơ thể biểu hiện khá rõ ràng, như nặng đầu, xây xẩm, nặng ngực, thở nông và nhanh hơn, buồn nôn, tiêu chảy... Đối với những người có tiền sử dị ứng, đặc biệt với kháng sinh, có thể biểu hiện sốc phản vệ mức độ nặng, cần được cấp cứu.

 Sử dụng thực phẩm chứa chất cấm có thể gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa

Về tác hại của các chất cấm trên trong thực phẩm đến sức khỏe người tiêu dùng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết, nếu sử dụng tích tụ hàng năm thì chắc chắn sẽ gây hại. Tuy nhiên, có hại thế nào cần phải có công trình nghiên cứu và tùy vào nhóm hoạt chất. Vì thế, những số liệu đơn vị đưa ra mang tính cảnh báo.

Bà Lan cho biết, vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy hải sản, thịt và đặc biệt là chất cấm cũng đã tồn tại từ lâu. Nếu ăn nhiều thực phẩm tồn dư kháng sinh sẽ có nguy cơ kháng kháng sinh.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM mới đây báo cáo, trong hơn 1.400 mẫu kiểm nghiệm tại ba chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức - nơi cung cấp 70% thực phẩm cho thành phố), có 47,5% mẫu rau củ tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, 20 mẫu vượt giới hạn cho phép và 58 mẫu không nằm trong danh mục (chiếm hơn 13%).

Các hoạt chất này chủ yếu là thuốc trừ bệnh (Carbendazim, Difenoconazole, Tebuconazole, Propiconazole) và thuốc trừ sâu (Permethrine, Cypermethrine, Chlorpyrifos, Imidacloprid). Những loại rau tồn dư hóa chất nhiều là cải xanh, cải ngọt, cải thìa, cải bó xôi, mùng tơi, húng cây, rau muống, cà chua...

Trong 100 mẫu thủy sản đánh bắt được kiểm nghiệm, có hai mẫu bạch tuộc tồn dư kháng sinh cấm là Chloramphenicol. Loại thủy sản nuôi nổi cộm nhất là 95/100 mẫu tồn dư kháng sinh cấm sử dụng như Ciprofloxacin, Enrofloxacin.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành quyết định 03, trong đó có danh sách các thuốc bảo vệ thực vật chứa Carbendazim, Difenoconazole; Tebuconazole, Propiconazole - bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam. Các thuốc này diệt trừ nấm ở cây lúa, hoa màu. Vì công năng trừ nấm phổ rộng nên tồn dư lượng chất này trong thực phẩm ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, thận.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo, khi có các gợi ý biểu hiện ngộ độc thực phẩm, như chóng mặt, buồn nôn và nôn ói, thở nhanh nông, đau bụng, nổi mẩn ngứa ở da (thường là dạng mề đay), tiêu chảy... cần đưa người bệnh đến cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám.

Trong quá trình di chuyển, cần uống nhiều nước lọc sạch, không nên tự mua uống các thuốc cầm nôn hoặc cầm tiêu chảy, vì sẽ cản trở quá trình thải độc của cơ thể. Nếu nghi ngờ nhiễm độc từ một loại thực phẩm cụ thể, cần đem theo mẫu thực phẩm đến bệnh viện để hỗ trợ chẩn đoán.

Đặc biệt, so với kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng trong thực phẩm, như Cadmi, diễn ra âm thầm hơn, thường kéo dài từ 10-30 năm. Bác sĩ Ngân phân tích, Cadmi cạnh tranh với Canxi trong calmodulin (chất có tác dụng điều chỉnh các hoạt động trong tế bào), gây loãng xương, đặc biệt vùng xương chậu, xương đùi. Cadmi còn cạnh tranh với các nguyên tố kẽm (Zn), sebon (Sn), sắt (Fe) - là thành phần cấu tạo máu và nhiều chức năng trong hoạt động sống của con người. Cadmi tích lũy ở thận, phổi và tiền liệt tuyến gây bệnh lý tại các cơ quan này, trầm trọng hơn là ung thư.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc từ thực phẩm, bác sĩ khuyên người tiêu dùng hạn chế sử dụng các thực phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến mà không rõ nguồn gốc hay đảm bảo an toàn. Khi lựa chọn các loại thịt và hải sản, nên chú ý màu sắc (mức độ tươi) và mùi bất thường của chúng. Người dân cũng cần lưu ý nguồn thực phẩm có dấu kiểm định, cần tránh chọn các loại thực phẩm đông lạnh không rõ nơi sản xuất.

Ở khâu sơ chế, việc rửa thức ăn tươi với nước sạch nhiều lần (dưới vòi nước đang chảy) hoặc nước cốt chanh, giấm hay giấm táo... giúp loại bỏ khá nhiều lượng chất bám trên bề mặt thực phẩm. Với thực phẩm đông lạnh, sau rã đông, cần chần qua nước sôi. Nếu sau khi rửa và đã xử lý với nước sôi, thực phẩm vẫn có mùi khác thường, người tiêu dùng nên nghi ngờ thực phẩm có vấn đề và không sử dụng.

Những chất nào bị cấm dùng trong thực phẩm?

Chất cấm trong thực phẩm không được định nghĩa ở bất cứ văn bản pháp luật nào. Chất được hiểu là các hoá chất, chất kháng sinh...gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01/09/2021) quy định chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các danh mục sau:

 

Những chất bị cấm dùng trong thực phẩm

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang