Bác sĩ khuyến cáo: Bị cúm người dân không tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng

(VietQ.vn) - Hiện nay bệnh cúm A đang bùng phát và có thể gây nguy hiểm tính mạng do đó theo các bác sĩ, người dân tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh.
Cảnh báo uống rượu ngày tết gây nguy hiểm nếu dùng chung với một số loại thuốc
Quản lý thuốc và nguyên liệu làm thuốc chứa hoạt chất Esketamine
Thu giữ lượng lớn thuốc lá ngoại nhập lậu dịp Tết Ất Tỵ
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm mùa là bệnh do những chủng virus cúm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng (phổ biến gần đây thường là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2), thường bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ, thỉnh thoảng có những đợt bùng phát trên quy mô lớn.
"Khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này" – bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, cúm A là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không những không có tác dụng đào thải virus gây bệnh mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Cúm mùa đang gia tăng ở khắp nơi người dân không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh vì nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa
Ngoài việc không nên tự ý dùng kháng sinh trong điều trị cúm, bác sĩ Đồng Phú Khiêm cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc kháng virus uống để điều trị cúm. Việc tự mua thuốc kháng virus uống gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gia tăng đề kháng thuốc.
Thuốc kháng virus chỉ có lợi với những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, người có biểu hiện nhiễm cúm nặng. Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi...nên được đi khám sàng lọc cúm để được bác sĩ đánh giá, cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Việc dùng thuốc kháng virus cần được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng, người dân không tự ý mua dùng để trị cúm hay phòng cúm.
Cúm mùa có thể nói có độc lực thấp nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (như người già > 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...). Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
Biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng, thậm chí ngăn ngừa tử vong cho nhiều người. Nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch.
Theo BSCKI. Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, thời tiết Đông Xuân là điều kiện cho dịch bệnh về đường hô hấp phát triển, đặc biệt là cúm A.
Một số yếu tố tác động khiến cúm mùa bùng phát mạnh từ tháng 11 đến tháng 4 là do thời tiết thay đổi khiến cơ thể dễ suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Đây là giai đoạn có nhiều kỳ nghỉ, lễ hội, sự kiện xã hội và học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết, khiến virus dễ dàng lây lan nhanh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, không gian kín và thông gió kém trong mùa lạnh khiến virus dễ dàng tồn tại và phát tán hơn, đặc biệt tại văn phòng, trường học, trung tâm thương mại.
Tỷ lệ tiêm vaccine cúm chưa đồng đều, đặc biệt ở những nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, cũng là yếu tố khiến dịch cúm dễ bùng phát. Do đó, việc chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp bảo vệ cá nhân và tiêm vaccine đúng lịch là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc cúm mùa.
Ngoài ra khi người dân có dấu hiệu mắc cúm cần được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, nếu đến những nơi có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
An Dương (T/h)