Bài 2: Cận cảnh 'kịch bản dàn trận' y, bác sỹ quảng cáo viên khớp CHAKO

author 06:45 12/07/2021

(VietQ.vn) - Góp phần đắc lực cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên phương tiện truyền thông, một kịch bản dàn trận hàng loạt y, bác sỹ đăng đàn quảng cáo, giới thiệu cho viên khớp CHAKO mặc dù đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm.

Như đã phân tích ở bài viết trước, mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng gần đây viên khớp CHAKO lại nổi lên như một hiện tượng quảng cáo. Đối tượng kinh doanh rầm rộ “loan tin” trên các trang mạng xã hội cho rằng sản phẩm này là giải pháp đột phá, đẩy lùi bệnh các bệnh lý xương khớp như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp, gout, đau dây thần kinh tọa, gai đốt sống cổ, tê bì chân tay...

Đi sâu vào phân tích sẽ thấy, để minh chứng cho chất lượng sản phẩm CHAKO, nhà phân phối sử dụng nhiều chiến lược khác nhau đánh trúng tâm lý, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong đó, hàng loạt kịch bản, sự xuất hiện liên tiếp của các y, bác sỹ cùng giới thiệu về công dụng của sản phẩm.

Có thể thấy trên trang wesite: https://chako.vn, “mở màn” cho một loạt đoạn video sử dụng hình ảnh y, bác sỹ để tư vấn là nổi lên đoạn của dược sỹ Võ Thanh Phương, nhà thuốc Minh Tâm, quận Gò Vấp, TP. HCM quảng cáo cho sản phẩm CHAKO “cực kỳ an toàn và hiệu quả”.

Dược sỹ Võ Thanh Phương giới thiệu "suông" công dụng sản phẩm, chưa được kiểm chứng? 

Theo dược sỹ này giới thiệu, điểm đột phá của sản phẩm là lá sói rừng, tinh chất vẹm xanh theo công thức tỷ lệ vàng, khắc tinh của bệnh xương khớp, là tỷ lệ vàng, công thức hoàn hảo, giảm đau, kháng viêm, ngăn ngừa tê thấp. Do đó, theo lời quảng cáo viên khớp CHAKO có khả năng giải quyết dứt điểm viêm khớp, thoái hóa khớp.

Đặc biệt, thử nhiệm lâm sàng các nhóm đối tượng có bệnh lý khác nhau trong 8 tuần, kết quả thử nghiệm trong 4 tuần, 53% có triệu chứng cơ khớp giảm rõ, 8 tuần hết đau... không có phản ứng phụ. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là lời nói “suông” mà không có kiểm chứng.

Ngoài ra, một loạt dược sỹ khác giới thiệu là những nhà thuốc như: Hà Anh, Tuệ Linh cũng thực hiện những đoạn video quảng cáo cho viên khớp CHAKO. “Công thức” chung được sử dụng là giới thiệu về nguyên lý, công dụng của viên khớp CHAKO có khả năng hỗ trợ điều trị dứt điểm các bệnh lý xương khớp, chỉ cần sử dụng trong thời gian ngắn có thể hết hẳn các triệu chứng, khuyên mọi người tiêu dùng nên sử dụng.

Nhiều dược sỹ khác cũng giới thiệu CHAKO như khắc tinh của bệnh xương khớp. 

Đặc biệt, trong một đoạn video còn có quảng cáo của PGS. TS. BSCK II Trần Quốc Bình – nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương quảng cáo cho sản phẩm viên khớp CHAKO khẳng định sản phẩm này an toàn cho mọi lứa tuổi. Trong đó, khẳng định nhiều bệnh nhân sử dụng viên khớp CHAKO, qua đánh giá lâm sàng đạt kết quả trên 70% giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý về khớp, chống viêm giảm đau đạt tỷ lệ 90%. Ngoài ra, trong đoạn video quảng cáo còn thể hiện ông Bình rất tâm huyết với sản phẩm này.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Bình lại cho biết, không nhớ sản phẩm xương khớp CHAKO là sản phẩm nào, chỉ nói về khía cạnh chuyên môn, kết hợp dược tính. “Nhiều khi ghép ảnh, ghép lời, lắm chuyện lắm, tôi không nhớ rõ đâu”, PGS Trần Quốc Bình khẳng định.

Viên khớp CHAKO liên tiếp "bồi" thêm nhiều video gắn hình ảnh các bác sỹ để lấy niềm tin từ người dùng 

Thậm chí, trong trường hợp của ông Phạm Hưng Củng, nguyên Cục trưởng Cục Y học cổ truyền – Bộ Y tế, xuất hiện đoạn video ông này quảng cáo khẳng định khớp CHAKO có khả năng chữa nguyên nhân và triệu chứng viêm khớp, có thể dùng cho phong tê thấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm dây thần kinh sườn, tọa, đau xương khớp cổ, vai gáy… hoàn hảo. Thậm chí, ông Củng khẳng định: “Đánh giá cao viên khớp CHAKO, hi vọng những người có bệnh lý này toại nguyện khi sử dụng nó”.

Rất nhiều hình ảnh y, bác sỹ khác cũng được đăng tải trên website để quảng cáo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Những nội dung nêu trên đều là quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cố tình sử dụng hình ảnh y, bác sỹ để lôi kéo, “đánh bóng” trong khi bản chất thực của sản phẩm khớp CHAKO không hề như vậy. Theo Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo TPCN sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, như sau: Trường hợp quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 68. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Nếu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.

Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang