Bán hàng không rõ nguồn gốc, hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé có dấu hiệu 'nhờn luật'?

author 11:17 04/04/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù từng bị cơ quan chức năng xử phạt và buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm mỹ phẩm, TPCN, bánh kẹo, sữa... không rõ nguồn gốc, không tem phụ tiếng việt nhưng hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé vẫn “chứng nào tật đó” tiếp tục dấu hiệu vi phạm. Tòa soạn VietQ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý?

Vườn Của Bé từng liên tiếp bị xử phạt

Trước đó, vào năm 2020, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải loạt bài viết: Hệ thống siêu thị "Vườn Của Bé" bán hàng không có nhãn phụ tiếng Việt, hàng không rõ nguồn gốc?; Hệ thống siêu thị Vườn Của Bé có thể bị phạt nặng vì loạt sai phạm?; Không chỉ dính lùm xùm về nguồn gốc hàng hóa, "cha đẻ" Vườn của bé còn vi phạm Luật doanh nghiệp? phản ánh việc hệ thống siêu thị Vườn của bé có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Sau đó, Cục QLTT Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và xử phạt các vi phạm của chuỗi siêu thị này.

Cụ thể, đối với cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 15B Đào Tấn, phường Cống Vị, quân Ba Đình, Hà Nội, chủ hộ kinh doanh là ông Âu Văn Dũng, Đoàn kiểm tra đội QLTT số 1 phát hiện, tạm giữ 1539 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo, là hàng hóa nhập lậu. Ông Âu Văn Dũng bị xử phạt 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu. Buộc tiêu hủy 1539 sản phẩm hàng hóa nêu trên, trị giá hàng hóa vi phạm là 24.940.000 đồng.

Đối với cơ sở kinh doanh tại số 38 Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chủ hộ kinh doanh là bà Hoàng Thị Chung, Đoàn kiểm tra đội QLTT số 1 phát hiện và tạm giữ 77 sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính bà Hoàng Thị Chung 1.600.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm nhập lậu. Buộc tiêu hủy 77 sản phẩm hàng hóa vi phạm trị giá 4.200.000 đồng.

 Hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé có dấu hiệu “nhờn luật”?

Đối với cơ sở kinh doanh tại 31A Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, chủ hộ kinh doanh là bà Lê Thị Lan Phương. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh không treo biển hiệu Vườn Của Bé, kết quả kiểm tra Đội QLTT số 1 tạm giữ 100 hộp đựng bút do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Lan Phương 800.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tịch thu 100 hộp đựng bút do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo trị giá 4.500.000 đồng.

Đối với cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 135 đường Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội chủ hộ kinh doanh là ông Nguyễn Hải Phúc, Đoàn kiểm tra đội QLTT số 26 phát hiện tạm giữ 490 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, là hàng hóa nhập lậu. Kết quả xử phạt hành chính ông Nguyễn Hải Phúc 11.250.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm nhập lậu. Buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm hàng hóa vi phạm trị giá 9.800.000 đồng.

Cũng theo lực lượng QLTT, đơn vị này sẽ tiếp tục giám sát tại các địa chỉ kinh doanh thuộc chuỗi cửa hàng Vườn Của Bé, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vườn Của Bé có dấu hiệu "nhờn luật"?

Đáng lẽ sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì hệ thống Vườn Của Bé phải khắc phục nhưng đến nay vẫn tồn tại những sai phạm trên, thậm chí, hệ thống ngày càng mở rộng để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng.

Thời gian qua, VietQ.vn tiếp tục nhận được phản ánh của độc giả về vấn đề hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé bán hàng không rõ nguồn gốc, không có tem phụ. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, PV tiếp tục tìm hiểu đơn vị này thì nhận thấy phản ánh có cơ sở. Cụ thể, tại địa chỉ số 97, Nguyễn Hữu Thọ, KĐT Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai bày bán nhiều sản phẩm TPCN, mỹ phẩm... với nhiều mức giá khác nhau nhưng điểm chung là không dán tem phụ tiếng Việt như sản phẩm TPCN Milk Calcium, Lysine Setep up, Nature Made Prenatal, The Collagen...

Sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ bán tại cửa hàng Vườn Của Bé không có tem phụ tiếng Việt.

Thậm chí, ngay cả những sản phẩm dành cho người có bầu cũng không dán tem phụ được bày bán công khai tại cửa hàng. Điển hình như Pregnacare max, Elevit, Blackmonres... và nhiều sản phẩm khác đều không có tem phụ.

Khảo sát tại các địa chỉ khác của hệ thống Vườn Của Bé, PV tiếp tục nhận thấy tình trạng tương tự. Theo đó, tại các cơ sở này cũng bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sữa tắm cho trẻ Bad&shampoo, Pigenon baby soap, Vitamin e body lotion, Biotin&collagen, Neutrogena curcuma clear... Hầu hết sản phẩm đều in chữ nước ngoài và không có bất cứ thông tin nào ghi chú bằng Tiếng Việt.

Ngoài ra, theo quan sát của PV, tại địa chỉ 38 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội bày bán nhiều loại sữa dành cho trẻ nhỏ cũng mập mờ nguồn gốc, xuất xứ như PediaSure, Blédilait, Aptamil, Nan optipro, BabySemp 1 và nhiều dòng sữa khác.

Sản phẩm TPCN bán tại Vườn Của Bé không rõ nguồn gốc?

Do đó, người tiêu dùng hoang mang nếu sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc tại hệ thống Vườn Của Bé gặp vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm? Tại sao đã bị xử phạt nhưng Vườn Của Bé vẫn không khắc phục những tồn tại? Phải chăng đơn vị này đã “nhờn luật”?...

Để có thông tin đa chiều tới bạn đọc, tòa soạn đã liên hệ tới Cục QLTT TP.Hà Nội nhằm làm rõ thông tin, nhưng gần 2 tháng vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này? 

Đề nghị Cục QLLT TP.Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ hoạt động kinh doanh hệ thống Vườn Của Bé.

Theo các chuyên gia pháp lý, đã đến lúc cần phải siết chặt quy trình hoạt động kinh doanh hệ thống Vườn Của Bé, xử lý nghiêm những trường hợp có liên quan... có như vậy mới tạo được môi trường kinh doanh theo đúng pháp luật. Còn không, hệ thống Vườn Của Bé vẫn mãi "nhờn luật", coi thường sự nghiêm minh của pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng và rất có thể sẽ trở thành tiền lệ xấu.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang