Bản tin tiêu dùng 28/9: Thu hồi lô điện thoại Iphone 7, 7 Plus giá 700 triệu đồng
Sự kiện: Phân biệt hàng thật - hàng giả
Đội lốt hồng Việt Nam, hồng giòn Trung Quốc bủa vây người dùng
Vào bếp với đủ các món ngon từ hồng giòn
Chị em công sở lãi tiền triệu mỗi ngày nhờ bán hồng giòn Cao Bằng
Những địa điểm trồng hồng giòn nhiều nhất nước ta
Đó là tất cả những tin nóng trong ngày 28/9 mà người tiêu dùng cần biết.
Cảnh sát Đà nẵng thu hồi 18 chiếc Iphone 7 và 7 Plus
Theo thông tin trên vov.vn, sáng 28/9 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Đà Nẵng) cho biết đang tiếp tục xác minh vụ buôn lậu điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus trị giá gần 700 triệu đồng.Trước đó, kiểm tra Nguyễn Bửu Đức (46 tuổi, trú Đà Nẵng), Nguyễn Văn Tráng (44 tuổi, trú Hưng Yên) đang dừng xe máy trước cửa hàng điện thoại trên đường Phan Thanh (Đà Nẵng), cảnh sát ghi nhận họ mang 39 chiếc điện thoại iPhone các loại, trong đó có 14 iPhone 7 và 4 iPhone 7 Plus. Lô hàng đựng trong bao tải, không có hóa đơn, chứng từ. Công an nghi ngờ đây là vụ nhập lậu điện thoại.
Điện thoại Samsung Galaxy Note 7 mới phát nổ
Theo báo điện tử Vietnam+, một người dùng Trung Quốc cho biết chiếc điện thoại thông minh Note 7 thay thế mới của Samsung đã phát nổ sau khi anh mua nó đầu tuần này.
Điều này khiến nhiều người dấy lên câu hỏi về việc liệu vấn đề cháy nổ pin Note 7 cũ có đang lan rộng đến phiên bản mới được cho là đã thay pin an toàn hay không.
Hui Renjie, 25 tuổi, cho biết chiếc điện thoại Note 7 của anh này phát nổ vào sáng thứ Hai (26/9), chưa đầy 24 giờ sau khi nhận máy từ người giao hàng của trang web thương mại điện tử JD.com Inc. Vụ cháy nổ gây ra thương nhẹ hai ngón tay của anh và làm cháy một phần chiếc máy tính MacBook.
Ngay sau khi sự cố diễn ra, đại diện của Samsung đã tới thăm Renjie và đề nghị mang đi chiếc điện thoại, nhưng Renjie đã từ chối vì anh không tin tưởng vào Samsung.
Trước đó, Samsung đã bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng có lẽ là tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng này sau khi chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 7 bị nhận một loạt báo cáo cháy nổ pin chỉ vài ngày sau khi nó được tung ra thị trường vào tháng Tám.
Ngày 2/9, Samsung đã buộc phải tuyên bố thu hồi toàn bộ 2,5 triệu chiếc điện thoại Note 7 bán ra trên toàn cầu vào thời điểm đó.
Phân bón bị làm giả từ A-Z
Báo Vnexpress đưa tin, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón, tình hình sản xuất phân bón bằng công nghệ “cuốc, xẻng”, nhái nhãn mác, bao bì các thương hiệu nổi tiếng đã giảm đi rõ rệt. Nhưng sản phẩm không bảo đảm về chất lượng lại đang nở rộ gây bức xúc, thiệt hại cho bà con nông dân.
“Thị trường phân bón trong nước sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì cứ làm, chưa có một cuộc cách mạng lập lại trật tự. Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định”, ông Thuý nêu thực tế.
Dẫn lại vụ việc xảy ra gần đây khi Văn phòng thường trực 389 kiểm tra, phát hiện 1/3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai). Dù Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo nhưng địa phương lại tự ý tha và chỉ xử lý hành chính với doanh nghiệp này. “Việc này có nên cho là điển hình về lợi ích nhóm hay không? Các bộ ngành nghĩ sao?”, ông Thúy đặt câu hỏi.
Hiện thị trường Việt Nam có khoảng 5.700 sản phẩm phân bón, trong khi các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm. Có quá nhiều sản phẩm nên dù là người có chuyên môn ông Nguyễn Huy Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, bản thân trong nhiều trường hợp cũng không thể nhận biết được phân bón thật – giả trên thị trường.
“Nói vậy để thấy mức độ làm giả của các đối tượng rất tinh vi, nhưng chế tài xử phạt hiện quá nhẹ. Chưa kể quy định thế nào về phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn chưa rõ ràng giữa các bộ, ngành... khiến nông dân phải đối diện với ma trận phân bón trên thị trường”, ông Cường nêu.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, kết quả kiểm ra xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bình quân mỗi năm ghi nhận gần 4.000 vụ. Năm 2013 và 6 tháng cuối năm 2014, cơ quan này đã kiểm tra vi phạm hơn 5.300 sai phạm, xử phạt gần 1.500 vụ.
Nhưng ông Cường cho rằng, dù phát hiện nhiều nhưng chế tài xử phạt không đủ mạnh, chủ yếu vẫn là phạt hành chính. “Doanh nghiệp họ chấp nhận nộp phạt bởi tiền xử phạt quá ít, chỉ như kiểu “gãi ghẻ” nên họ cứ nộp phạt xong lại làm tiếp”, ông nói.
Một bất cập khác được ông Lương Quốc Đoài – Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, trên thị trường đang có đến vài nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón của doanh nghiệp sản xuất cung ứng, khiến nông dân rơi vào “ma trận” khi chọn lựa mặt hàng này. “Số lượng sản phẩm quá lớn, bà con không thể nhớ, hiểu được tác dụng; không có cách nào nhận biết, phân biệt được phân bón thật, giả. Đây là kẽ hở để các đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng để gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng”, ông Đoài chia sẻ.
Ông Bùi Mạnh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Đạm Cà Mau thì cho rằng, thị trường đang quá dễ tính nên đã vô tình tạo “đất” cho các doanh nghiệp sản xuất không nghiêm túc có cơ hội làm bậy. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có quá nhiều nhà sản xuất phân bón. “Khi số lượng quá nhiều, sự cạnh tranh vượt quá mức cần thiết thì để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đành phải làm bậy”, ông phân tích.
Để lập lại thị trường, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng... Trong thời gian chờ đợi sửa đổi thì nên thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng này, thay vì có tới 2 cơ quan cùng "quản" hiện nay là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, để dễ "truy" trách nhiệm, đánh giá đúng về thực trạng thị trường...