Báo chí cùng hành động phòng chống vi phạm sở hữu trí tuệ

author 13:34 04/11/2015

(VietQ.vn) - Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao…

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Tổ chức JICA, Nhật Bản phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức chương trình tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí”. Hội thảo này hướng vào tăng cường vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng về tác hại của việc xâm phạm quyền SHTT, quyền bảo hộ SHTT, từ đó tự giác không mua hàng giả, hàng nhái. 

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên WTO và đang trong quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với Hiệp định này thì vai trò của SHTT rất quan trọng và cần thiết trong quá trình đàm phán.

Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức chương trình tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí”.Cục SHTT vừa tổ chức chương trình tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền shtt và vai trò của báo chí”

Hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào tiêu thụ trong nước bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Năm 2015, nhiều mặt hàng bị làm giả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng như: thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Theo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương: trong 9 tháng đầu năm 2015 quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 13.458 vụ, phạt tiền 41,2 tỷ đồng, trị giá hóa vi phạm tịch thu 25,8 tỷ đồng.

Ông Nishiyama Tomohiro, Cố vấn dự án JICA cho biết, mục tiêu của dự án này nhằm phổ biến rộng rãi quyền SHTT tại Việt Nam. Tuy nhiên, để người dân hiểu và ý thức được thì cần rất nhiều thời gian. Do đó, báo chí sẽ là kênh thông tin quan trọng, là cầu nối để chuyển tải nội dung quyền SHTT đến với người dân.

Để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT cần từng bước nâng cao dân trí, làm cho toàn dân hiểu được tác hại của việc xâm phạm quyền sở hữu, quyền bảo hộ SHTT, từ đó hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị, tổ chức mình. Từ đó, người dân sẽ tự giác không sử dụng hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT, đồng thời tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực vi phạm quyền SHTT. Vì vậy, vai trò công tác truyền thông đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng chống lại hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Theo Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), thời gian qua tình trạng xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các hành vi xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu, xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao.

Hàng giả xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường, cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu thông qua biên giới với Trung Quốc. Năm 2015, một số mặt hàng giả được dư luận đặc biệt quan tâm là tân dược, thực phẩm chức năng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm…

Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hầu hết các lĩnh vực vẫn diễn ra phức tạp. Các hành vi xâm phạm bản quyền như in sách lậu, sử dụng các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, ghi âm, ghi hình mà không trả tiền cho các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan… khá phổ biến. Vấn đề vi phạm bản quyền càng trở nên phức tạp hơn trong môi trường internet, vì tại đây người sử dụng dễ dàng thực hiện các hành vi sao chép và phổ biến trái phép.

Cụ thể trong năm 2014, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện 665 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất và buôn bán hàng giả. Trong đó khởi tố 120 vụ, 196 bị can, tăng 130 vụ so với năm trước.

Những năm gần đây công tác bảo vệ quyền SHTT được Đảng và Nhà nước rất quan tâm trên mọi khía cạnh như xác lập quyền, bảo vệ quyền, khuyến khích mọi đối tượng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trí tuệ có hàm lượng trí tuệ cao.

Hàng vi phạm SHTT diễn biến phức tạpHàng vi phạm SHTT diễn biến phức tạp

Từ năm 2014, Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về SHTT nhằm phù hợp với thực tế trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản lý Nhà nước cũng được triển khai liên tục và có hiệu quả. Việc phối hợp giữa triển khai “Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012-2015” giữa các bộ, ngành đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp xử lý tốt hơn với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết: Việc xâm phạm SHTT đã làm thiệt hại nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng con người, tác động xấu đến cộng đồng, tuy nhiên việc xử lý tội phạm xâm hại SHTT khá khó khăn, vướng mắc như các quy định về SHTT còn mang nặng tính nguyên tắc chung, một số nội dung còn thiếu, chưa đáp ứng nội dung thực tiễn cũng như phù hợp với chuẩn mực quốc tế; các quy phạm pháp luật còn chồng chéo, trùng lắp; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu số lượng, nội dung chưa đầy đủ, có nhiều kẽ hở bị các đối tượng vi phạm lợi dụng; việc chứng minh lỗi “cố ý” của đối tượng vi phạm SHTT là hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao giải pháp hoàn thiện về hệ thống pháp luật, triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm SHTT thì việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái cần được coi là vấn đề trọng tâm.

Do đó, vai trò công tác truyền thông đặc biệt quan trọng. Báo chí cần tuyên truyền sâu rộng cho người tiêu dùng hiểu về tác hại của việc xâm phạm quyền SHTT, quyền bảo hộ SHTT từ đó họ tự giác không tham gia mua hàng giả, vi phạm SHTT.

Trước những khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ, các đại biểu cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật cả về pháp luật dân sự và pháp luật hình sự mới đủ sức răn đe. Theo bà Đỗ Thị Minh Thủy, Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tương lai, cần chuyển dịch vai trò trung tâm về thực thi và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ từ cơ chế hành chính sang cơ chế dân sự; đồng thời tăng cường thực hiện biện pháp hình sự theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả trong thực thi và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. 

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang