'Báo động' vấn đề sức khỏe tâm thần, tự tử thường xuyên ở thanh thiếu niên

author 06:45 07/02/2018

(VietQ.vn) - Các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên. Thanh niên từ 18 - 21 tuổi có ý định tự tử ở mức cao nhất.

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội lần đầu tiên công bố báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em và thanh niên Việt Nam.

Theo báo cáo, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm từng người. Một khảo sát dịch tễ học gần đây cho thấy hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu các nhà tư vấn tâm lý cho các em.

Gần 30% trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Ảnh minh họa/Báo Dak Lak

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý). Tình trạng lạm dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá khá phổ biến ở đối tượng vị thành niên là nam giới, tới gần 40%.

Cũng theo báo cáo công bố, thanh niên từ 18 - 21 tuổi có ý định tự tử ở mức cao nhất. Phụ nữ có ý định tự tử nhiều hơn nam giới gấp 2 lần. Đại đa số trẻ em đã từng có ý định muốn tự tử sống trong các gia đình có cha mẹ trình độ học vấn thấp và làm lao động chân tay.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi và ý định tự tử bao gồm sự thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc... Những triệu chứng cơ thể: Đau đầu, chán ăn, ngủ kém, gặp ác mộng được nhiều người nhắc đến. Nguyên nhân là do áp lực học tập và riêng đối với các em gái là do căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình. Việc lạm dụng rượu, thuốc lá, ma túy phần lớn liên hệ tới trẻ em trai, nam giới. Lạm dụng chất cũng có thể dẫn tới bạo lực và kết hôn sớm ở nhóm trẻ có cha mẹ nghiện ma túy... Những người được phỏng vấn có xu hướng cho rằng trẻ em gái nhạy cảm với vấn đề tự tử hơn trẻ em trai.

Những phát hiện từ nghiên cứu này sẽ giúp đưa ra khuyến nghị về cách giải quyết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh niên và sẽ lồng ghép vào các chương trình cấp quốc gia hiện có như Chương trình Quốc gia về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người có bệnh tâm thần và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe, cũng như các chương trình và khung pháp lý trong tương lai đang được lên kế hoạch bao gồm: Chiến lược quốc gia về Sức khỏe Tâm thần giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang