Phân tích bão số 14 - Haiyan: Siêu mạnh, siêu dị thường

author 15:31 10/11/2013

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời tiết đã đưa ra những phân tích về bão số 14 - Haiyan, siêu bão được đánh giá là một trong 4 cơn bão mạnh nhất lịch sử thế giới, xét về sức gió.

Cơn bão xuất hiện dị thường nhất

Cùng với Nancy (1961, sức gió 346 km/h), Violet (1961, sức gió 330 km/h) và Ida (1958, sức gió 322 km/h), siêu bão Haiyan là một trong 4 cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới, với sức gió ở mức đáng kinh ngạc: hơn 313 km/h, giật lên tới hơn 370 km/h, theo thông tin từ Trung tâm cảnh báo bão đưa ra vào 15 giờ quốc tế UTC ngày 7/11.

Cơn bão nhiệt đới được chính thức công nhận là mạnh nhất thế giới là Siêu bão Nancy năm 1961 với sức gió 346 km/h. Tuy nhiên, sức gió tối đa ước tính cho những cơn bão xảy ra trong khoảng những năm 1940 - 1960 được cho là quá cao (so với thực tế).

Bão số 14 - Haiyan siêu bão có gió mạnh nhất trong lịch sử.

Kể từ năm 1969, 3 cơn bão nhiệt đới có số liệu đáng tin cậy về sức sức gió gần tương đương với con số 313 km/h của Haiyan là siêu bão Tip tại Tây Thái Bình Dương năm 1979 (305 km/h), bão Camille năm 1969 và bão Allen năm 1980 tại Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, cường độ gió mạnh nhất của cả 3 cơn bão này đều được đo bằng máy bay săn bão. Còn sức gió của bão Haiyan chỉ được ước tính bằng hình ảnh vệ tinh, và như vậy, mức độ tin cậy của nó có phần thấp hơn. Nếu dùng các hình ảnh vệ tinh để ước tính về cường độ thì còn có thể có 2 siêu bão lớn hơn Tip - siêu bão Gay năm 1992 và siêu bão Angela năm 1995.

Hiện không có bất cứ biện pháp nào để đo áp suất tâm bão Haiyan, nhưng nó có thể ngang bằng kỉ lục mọi thời đại là 870 mb của siêu bão Tip.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản ước tính, áp suất tâm bão Haiyan đạt tới 895 mb vào lúc 12 giờ UTC ngày 7/11.

Ông Master mô tả Haiyan là cơn bão xuất hiện dị thường nhất mà ông từng thấy trên hình ảnh vệ tinh, mắt bão lớn, được bao quanh bởi một khối lượng hoàn lưu bão mạnh, tưởng như không thể xuyên thủng với đỉnh chạm tới tầng bình lưu thấp.

Haiyan sẽ là cơn bão cấp 5 thứ 3 đổ bộ vào Philippines kể từ năm 2010. Vào năm 2010, mức gió của siêu bão Megi đạt đỉnh 290 km/h khi chạm tới phía đông đảo Luzon và trở thành bão cấp 5 (cấp mạnh nhất theo theo thang bão Saffir-Simpson) khi vào tới đất liền nước này. Khi đó, sự đổ bộ của Megi chứng tỏ rằng, Philippines có thể chịu được sức tấn công của siêu bão cấp 5 mà không có thiệt hại nào tới mức thảm hoạ. Siêu bão này khiến 35 người thiệt mạng và gây thiệt hại 276 triệu USD cho Philippines.

Tuy nhiên, siêu bão Bopha, cơn bão cấp 5 gần đây nhất đổ bộ vào đảo Mindanao, phía nam Philippines ngày 3/12/2012 đã gây ra thiệt hại lớn. Cơn bão khiến 1.901 người thiệt mạng, đa phần là người dân đảo Mindanao và trở thành siêu bão khủng khiếp thứ 2 trong lịch sử Philippines. Với mức thiệt hại ước tính 1,7 tỉ USD, Bopha là thảm hoạ tự nhiên gây thiệt hại lớn nhất đối với Philippines ở thời điểm đó.

Mưa to, gió lớn

Mối đe doạ lớn nhất của bão Philippines thường là mưa to, bởi địa hình của đảo ở nước này là đồi núi, lượng mưa lớn có thể gây sạt lở và lũ quét nguy hiểm, đặc biệt là khi nạn phá rừng diễn ra khá thường xuyên ở nước này trong nhiều thập kỷ qua. Dự báo mới nhất về lượng mưa đo được từ ngày 6 - 7/11 bằng mô hình HWRF (dùng để dự báo quỹ đạo và cường độ bão)không mấy khả quan. Một vùng mưa rộng 80 km với lượng mưa trên 200 mm được dự đoán quét qua miền Trung Philippines. Đất đã ẩm ướt khá nhiều từ những cơn mưa nặng hạt tại vùng này từ thứ Hai khiến cho nước mưa từ bão Haiyan sẽ chảy nhanh và có thể gây lũ lụt đe doạ tính mạng con người.

Sức gió của bão Haiyan cũng là một mối lo ngại lớn, đặc biệt là ở Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, nơi có dân số 221.000 người. Thêm vào đó, siêu bão Haiyan sẽ gây ra sóng bão lớn hơn so với bình thường, khi một cơn bão đổ bộ vào nước này.

Theo dự đoán của NOAH (Dự án đánh giá thảm họa toàn quốc) của Philippines, phần lớn Tacloban sẽ bị chìm sâu ít nhất 3 mét, sóng bão đạt 4,5 mét. Trong khi đó, thuỷ triều bão cao nhất sẽ đạt 5,3 mét tại phía bắc Tacloban ở bờ biển phía đông đảo Samar. Thuỷ triều bão ở nhiều khu vực tại trung Philippines sẽ đạt 2,5 mét sau khi Haiyand di qua đảo Leyte và Samar.

Mặc dù cơn bão di chuyển cách thủ đô Manila 180 m về phía nam, song thuỷ triều bão ở thành phố này cũng được cho là đạt mức 1,4 mét.

Trước đó, Cơ quan khí tượng của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương ước tính, siêu bão Haiyan mạnh gấp 3,5 lần bão Katrina - một cơn bão rất mạnh đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn phá miền Đông Nam Hoa Kỳ , đã trở thành thiên tai kinh khủng và tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906.  

Bão số 14 - Haiyan tàn phá Philippines.

Trong thời gian đổ bộ vào Philippines, những đám mây của bão Haiyan đã bao phủ toàn bộ Philippines, kéo dài 1.120 dặm, bao phủ một diện tích bằng diện tích của cả nước Đức. "Nó giống như một cơn sóng thần đã tràn qua đây”, phóng viên của đài CNN (Mỹ) ở Tacloban bình luận.

Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết đã có hơn 700.000 người được chuyển đến các trung tâm sơ tán, nhưng ngay cả tại các trung tâm đó vẫn có rất nhiều người chết. Các nhà khí tượng học Mỹ cho biết, rất có thể siêu bão Haiyan sẽ lấy lại trạng thái “siêu khủng khiếp” và tấn công vào các tỉnh duyên hải Việt Nam.

Siêu bão Haiyan mang theo những cơn gió với tốc độ 295 km/h, giật 360 km/h. Đây là một trong những tốc độ gió lớn nhất được ghi nhận trong một cơn bão của lịch sử thế giới. Siêu bão đổ bộ với sức mạnh hủy diệt nhất được ghi nhận trong lịch sử, dựa trên ghi nhận từ các vệ tinh.

Đây là cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây Dương từ trước tới nay. Trước đó, 3 cơn bão mạnh gần tới mức này xảy ra vào các năm 1969, 1979, 1980. Cơn bão mạnh nhất tàn phá một vịnh của Mỹ có gió giật chừng 305 km/h.

Siêu bão Haiyan có tầm ảnh hưởng chừng 483km, tương đương khoảng cách từ Boston tới Philadelphia (Mỹ). Haiyan là cơn bão thứ 28 trong mùa mưa bão năm nay ở tây Thái Bình Dương. Bão Haiyan bắt đầu từ 2/11 và nhanh chóng lớn mạnh trong vòng vài ngày. Ngày 6/11, mắt bão đã lớn tới 14km. Gió nhanh chóng đạt tốc độ lịch sử, giật 360 km/h.

Do đó, để đảm bảo tính mạng trước cơn bão số 14 đổ bộ vào Việt Nam, từng gia đình nên chuẩn bị tinh thần đối phó với thiên tai lịch sử này để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra.

Trước bão

Dự trữ sẵn thức ăn và nước sạch là điều không bao giờ thừa trong những dịp đặc biệt như vậy, nhất là những loại thực phẩm ăn liền không cần phải qua nấu nướng và có thời hạn sử dụng lâu ngày, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Lương khô là một lựa chọn không tồi do cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tối thiểu mà lại có khối lượng nhẹ.
 
Đèn pin, nến, bật lửa hoặc các vật dụng khác có thể thắp sáng là thứ cũng không thể thiếu. Nên sạc đầy pin cho các thiết bị và để ở những vị trí trên cao, dễ tiếp cận và khô thoáng. Một bộ sạc hoặc đèn pin quay tay để dùng khi mất điện hoàn toàn cũng là một giải pháp đang cân nhắc.
Nếu có thêm một bếp dầu hoặc bếp gas du lịch để đun nấu khi mất điện hoặc bếp dưới nhà bị ngập sẽ đảm bảo sức khỏe hơn.
 
Toàn bộ nhà cửa cần nhanh chóng được kiểm tra và sửa chữa. Tốt nhất là buộc lại cửa sổ, mái che đề phòng gió bão có thể giật tung và thổi bay gây tai nạn cho người bên ngoài, cũng như thiệt hại về của cải của bản thân.

Để an toàn trong bão

Thu hoạch ngay những nông sản phẩm đã đến mùa gặt hái. Đưa gia súc về nơi trú ẩn an toàn. Với các gia đình ngư dân, nên để tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.Bạn cũng nên cất các thiết bị hay đồ đạc quan trọng và quý giá ở vùng đất cao. Luôn cập nhật các bản tin thời tiết mới nhất trên Sống Mới và các cơ quan chức năng.
Trong bão
Nên ở trong nhà nếu không có việc gì khẩn cấp. Tránh đi lại trong nước đề phòng bị điện giật hay giẫm phải những vật sắc nhọn. Nếu trong nhà thiếu nguồn nước sạch, có thể đun tạm nước mưa trong vòng 20 phút. Nhưng cần giữ nước kín đề phòng bụi bẩn hoặc côn trùng.
Nếu phải sơ tán: nhớ mang theo quần áo, thực phẩm, các thiết bị cứu hộ, đèn pin/ nến, đài chạy bằng pin. Nếu phải đến trung tâm sơ tán: nhớ đóng tất cả cửa sổ và cửa ra vào, và cả công tắc điện nguồn. Nếu phải di chuyển: cần tránh các con đường có thể dẫn đến các dòng sông để tránh bị lũ cuốn. Điều quan trọng nhất: luôn phải bình tĩnh. 
Sau bão
Nếu nhà đã bị bão phá hủy, hãy đảm bảo rằng bạn an toàn trước khi bước vào. Cần chắc chắn rằng không có cái gì sẽ rơi trúng người bạn hoặc những con vật nguy hiểm như rắn... có thể vào nhà và cả việc các nguồn điện có thể gặp nước.
Việc dọn dẹp nhà cửa sau bão cũng rất quan trọng và cần được tiến hành khẩn trương. Hãy thông báo ngay cho nhà chức trách nếu các đường cáp, đường dây điện bị hỏng.
Bạn cũng cần nhanh chóng thu dọn nước mưa bị tồn đọng trong các vũng, thau chậu... để tránh muỗi sinh sôi nảy nở. Và trên hết, cần kiểm tra lại tài sản gia đình xem có đẩy đủ hay không. Ngay trong hoạn nạn vẫn  có thể có nhiều kẻ gian nhóm ngó.

T.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang