Bé 2 tháng tuổi co giật, nguy kịch do đắp tỏi điều trị COVID-19

author 15:09 18/03/2022

(VietQ.vn) - Mới đây một bé trai 2 tháng tuổi quê ở Phú Thọ đã phải vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao 40 độ C, li bì, co giật. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đắp tỏi điều trị COVID-19.

Bé trai phồng rộp bụng khi đắp tỏi điều trị COVID-19

Bé được đưa vào cấp cứu tại một BV ở Phú Thọ, kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bé theo dõi viêm não, màng não, shock nhiễm khuẩn trên nền nhiễm SARS-CoV-2.

 Bụng bé trai phồng rộp do đắp tỏi điều trị COVID-19. 

Khai thác tiền sử bệnh của bé từ gia đình cho biết, bé phát hiện mắc COVID-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt, gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa COVID-19 và đắp lá vùng thóp để hạ sốt. Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu.

Các bác sĩ cho hay, trẻ nhiễm SARS-CoV-2 nếu sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài tình trạng co giật do sốt, khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 dễ bội nhiễm vi khuẩn gây shock nhiễm khuẩn, bản thân virus SARS-CoV-2 cũng có thể tấn công vào nhiều cơ quan đặc biệt nguy hiểm như: tim, phổi, thần kinh….

Đặc biệt, theo các bác sĩ, người dân tuyệt đối không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các bác sĩ khuyến cáo đắp hoặc cho trẻ uống.

Tỏi là một loại gia vị phổ biến. Khi được sử dụng như một sản phẩm thực phẩm, tỏi không có khả năng tạo ra các tác dụng phụ. Nhưng khi được sử dụng như một sản phẩm thuốc, tỏi có thể tạo ra tác dụng không mong muốn đối với cơ thể.

Những lưu ý khi sử dụng sản phẩm bổ sung tỏi

Thành phần hoạt chất và chất chống oxy hóa được nghiên cứu nhiều nhất trong tỏi được gọi là allicin. Các sản phẩm tỏi được bán dưới dạng thực phẩm chức năng có thể khác nhau nhiều về lượng allicin. Nếu chọn sử dụng sản phẩm bổ sung tỏi, hãy sử dụng theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ và cần lưu ý:

Không sử dụng sản phẩm này nhiều hơn mức khuyến cáo trên nhãn.

Không sử dụng các dạng tỏi khác nhau (tép, viên nén, dầu...) cùng một lúc mà không có lời khuyên của bác sĩ. Sử dụng các công thức khác nhau cùng nhau làm tăng nguy cơ quá liều.

Không nghiền nát, nhai hoặc phá vỡ viên thuốc bao tan trong ruột. Viên thuốc có một lớp phủ đặc biệt để bảo vệ dạ dày của bạn, làm vỡ viên thuốc sẽ làm hỏng lớp phủ này. Vì vậy, cần nuốt toàn bộ viên thuốc với nước.

Tỏi có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu cần tiến hành phẫu thuật, nha khoa hoặc thủ thuật y tế, hãy ngừng dùng tỏi ít nhất trước 2 tuần.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang