Bến Tre: 5 đặc sản nổi tiếng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

author 14:01 28/12/2021

(VietQ.vn) - Đến nay Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm tiêu biểu.

Bưởi da xanh Bến Tre

Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong các loại cây ăn quả được xem là đặc sản, có chất lượng cao của Bến Tre thì bưởi da xanh là loại quả thuộc nhóm có tiềm năng và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Bưởi da xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia, được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ưa chuộng vì có vị ngon đặc trưng.

Bưởi da xanh Bến Tre có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với các loại cây có múi. Đối với người dân Bến Tre, bưởi Da xanh là loại trái cây quý, thường dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, tết. Giá trị của quả bưởi Da xanh nằm ở chỗ nó không chỉ là món ăn ngon và bổ dưỡng, mà còn góp phần hỗ trợ sức khoẻ con người như thanh lọc phổi, dễ tiêu hóa và lưu thông máu.

Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00062 cho sản phẩm bưởi Da xanh Bến Tre nổi tiếng.

Bưởi Da xanh Bến Tre có hình cầu, vỏ ngoài khá mỏng, màu xanh hoặc chuyển sang xanh hơi vàng khi chín, bề mặt vỏ bưởi khi chín hơi nhám do các tuyến tinh dầu trên bề mặt vỏ phồng lên, múi bưởi có màu từ hồng nhạt đến đậm, tép bưởi bó chặt vào nhau và không có dịch quả. Bưởi Da xanh Bến Tre có vị ngọt thanh, không đắng, không the, ít hạt hoặc không có hạt. Trọng lượng trung bình quả từ 1,3kg đến 1,4kg, đường kính trung bình từ 150mm đến 160mm, chiều cao trung bình quả từ 155mm đến 165mm. So sánh chỉ tiêu chất lượng bưởi Da xanh tại Cần Thơ và tại Tiền Giang, bưởi Da xanh Bến tre có hàm lượng vitamin C cao hơn trong khoảng 79,46 ± 0,96 mg/100ml, độ ngọt cũng cao hơn trong khoảng 11,47 ± 0,16oBx và độ chua thấp hơn trong khoảng 0,46 ± 0,02%.

Bưởi Da xanh Bến Tre có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với các loại cây có múi trong đó có bưởi Da xanh và đặc biệt là kinh nghiệm gắn với phong tục tập quán trong quá trình sản xuất của người dân địa phương.

Địa hình của vùng trồng bưởi Da xanh Bến Tre khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ cao chênh lệch tối đa là 3,5 mét. Khu vực địa lý tiếp nhận nguồn phù sa màu mỡ của bốn nhánh sông Cửu Long là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên trước khi đổ ra biển Đông.

Vùng trồng bưởi Da xanh Bến Tre gồm huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Bình Đại, và thành phố Bến Tre. Khu vực địa lý nằm trọn trên ba dãy cù lao là cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Đây là khu vực nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600mm, nhiệt độ trung bình năm từ 25 - 29oC. Độ ẩm trung bình năm 81 - 82%. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 4 - 8oC. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất thịt pha sét, thành phần cát và thịt cao nên khả năng thoát nước tốt. Đất có tính chất chua, giá trị pHH20 từ 4,12 - 5,76. Hàm lượng Ca trao đổi từ 4,80 - 8,94 meq/100g, Mg trao đổi từ 3,42 - 9,63 meq/100g.

Mặc dù thổ nhưỡng của khu vực địa lý có tính chất hơi chua nhưng nhờ chế độ thủy văn rất đặc thù bởi nguồn nước tưới có tính kiềm nhẹ và hàm lượng kali, canxi và magiê trong nước cao nên góp phần trung hòa lượng axit trong đất và cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cây.

Bên cạnh điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu của khu vực địa lý đã tạo nên đặc thù của bưởi Da xanh Bến Tre, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ việc nhân giống, chọn đất thiết kế vườn, lên liếp đến áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của bưởi Da xanh Bến Tre.

Dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý 

Dừa xiêm Bến Tre

Bến Tre có quy mô diện tích trồng dừa chiếm trên 1/3 so với diện tích của cả nước và cây dừa được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Khoảng hơn 20% diện tích dừa Bến Tre trồng các giống dừa thuộc nhóm dừa uống nước. Trước kia, dừa uống nước Xiêm Xanh được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta và vườn cây ăn quả để lấy nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, danh tiếng về chất lượng của dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng được biết đến rộng rãi nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe con người.

Sản phẩm dừa xiêm của Bến Tre cũng được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có các đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả dừa nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh, nước có vị ngọt đậm hơn so với nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh trồng ở các vùng khác.

Do đó, nhu cầu tiêu thụ dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng tăng cao và cây dừa uống nước Xiêm Xanh dần trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Bến Tre. Trước những lợi thế có được, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều chủ trương, chính sách và dự án nhằm thúc đẩy ngành dừa phát triển để phát triển ngành dừa là một ngành kinh tế chủ lực của địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh cho dừa uống nước Xiêm Xanh ở thị trường trong và ngoài nước.

Dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có các đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả dừa nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh, nước có vị ngọt đậm hơn so với nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh trồng ở các vùng khác.

Quả dừa hình tròn, phần dưới của quả có một núm nhỏ 3 cạnh nhô ra, trọng lượng trung bình trong khoảng 1,36 ± 0,25kg, đường kính trung bình trong khoảng 14,43 ± 0,97cm, chiều cao trung bình trong khoảng 16,7 ± 1,4cm, thể tích nước trung bình trong khoảng 258 ± 28ml/quả. Nước dừa Xiêm Xanh được dùng làm thức uống giải khát và bổi dưỡng sức khỏe. Chất lượng nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có sự khác biệt rõ so với nước dừa của các địa phương khác về hàm lượng đường, khoáng và vitamin C.

Dừa Xiêm Xanh Bến Tre có hàm lượng vitamin C trong khoảng 3,18 ± 0,08mg/lít, hàm lượng đường tổng trong khoảng 5,79 ± 0,16 g/100ml, hàm lượng đường khử trong khoảng 4,63 ± 0,18g/100ml, hàm lượng Carbohydrate trong khoảng 6,53 ± 0,15g/100ml, hàm lượng Kali trong khoảng 1.832, 78 ± 52,94mg/lít, hàm lượng Sắt trong khoảng 0,36 ± 0,02mg/lít, hàm lượng Kẽm trong khoảng 0,66 ± 0,05mg/lít, độ Brix trong khoảng 7,36 ± 0,16 oBx và năng lượng trong khoảng 26,96 ± 0,60Kcal.

Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có địa hình, đất đai, khí hậu rất thích hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của dừa, vì thế dừa uống nước Xiêm Xanh Bến tre mới có được đặc thù và danh tiếng như vậy. Địa hình của khu vực địa lý bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Vùng đất Bến Tre là một dạng cù lao lớn ở cửa sông Cửu Long, được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của những “đảo cửa sông” từ hàng ngàn năm qua. Những nhánh sông chia cắt giữa các cù lao dần dần bị lấp nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn và các cù lao chắp lại với nhau tạo nên Bến Tre ngày nay. Từ trước đến nay, dừa là cây trồng lâu năm và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của tỉnh Bến Tre do sự thích nghi đặc biệt với sa cấu đất phù sa nơi đây. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn sông Cửu Long.

Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre nằm trọn trên ba dãy cù lao gồm cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Bến Tre là những cụm cù lao cuối cùng nhận lượng phù sa giàu dinh dưỡngcủa dòng nước sông Cửu Long trước khi chảy ra biển, nhờ đó cây dừa xanh tốt hơn và cho năng suất cao hơn các vùng khác. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất sét pha thịt, tỷ lệ cát chiếm khoảng 12%. Đất hơi chua, hàm lượng pHH2O trung bình 5,34 ± 0,07, hàm lượng Lân dễ tiêu trung bình 1,81 ± 0,72mg/100g, hàm lượng Kali trung bình 0,38 ± 0,18meq/100g, hàm lượng Kẽm trung bình 7,83 ± 1,38ppm. Khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600mm, nhiệt độ trung bình năm từ 25 - 29oC. Độ ẩm trung bình năm 81 - 82%. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 4 - 8oC.

Bên cạnh điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dừa uống nước Xiêm Xanh, tập quán canh tác của người dân Bến Tre cũng làm cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh thêm đặc thù mà chỉ vùng đất này mới có được. Trong quá trình sản xuất, người dân canh tác vẫn luôn cho đất thở hàng năm bằng cách vét mương, bồi bùn. Phương pháp kết hợp giữa tập quán chăm sóc và việc áp dụng quy trình kỹ thuật mang tính khoa học đã giúp cho cây dừa lúc nào cũng xanh tươi, đạt năng suất và chất lượng cao. Việc đào mương, lên liếp trồng dừa có thể nói là một trong những cách mà người dân Bến Tre đã áp dụng để cây dừa Xiêm Xanh thích nghi với môi trường sống. Và cũng nhờ có hệ thống mương và chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa, người dân có thể lấy bùn lắng trong mương vườn từ phù sa sông và chất hữu cơ để vun đắp cho cây dừa xanh tốt. Hệ thống mương vườn còn giúp người dân chủ động dự trữ nước ngọt trong mùa mưa và tưới bổ sung cho dừa vào mùa nắng hạn.

Khu vực địa lý: Huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri, huyện Bình Đại và thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Tôm càng xanh Bến Tre

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho biết, năm 2021, Bến Tre tiếp tục gặt hái thành quả khi có 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý là tôm càng xanh và cua biển. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Với đặc tính sinh trưởng trong vùng nước lợ và ngọt, gần các cửa sông, hoặc các hệ thống sông lớn nên số lượng tôm càng xanh tại Bến Tre nhiều và ngon hơn các vùng khác. Danh tiếng và chất lượng đặc thù của tôm càng xanh Bến Tre có được là nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý.

Chính nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và giàu dinh dưỡng sẵn có trong nước đã tạo nên sự khác biệt về thành phần lý hóa của tôm càng xanh Bến Tre, với hàm lượng canxi, béo và Omega 3 cao. Ngoài các điều kiện địa lý tự nhiên, kỹ thuật nuôi tôm của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của loại đặc sản này.

Tôm càng xanh Bến Tre có hình trụ, phần đầu lớn; phần thân và đầu cân đối; đuôi và phần giao giữa các đốt thân có màu xanh biển (tôm sống trong môi trường ruộng lúa) hoặc màu nâu (tôm sống trong môi trường mương vườn dừa); phần giữa các đốt thân có màu nâu nhạt, hơi trong; đôi càng thứ 2 có màu xanh, phần cuối có màu cam hoặc màu xanh đậm.

Tôm càng xanh sống mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” có trọng lượng từ 40 gram, vỏ cứng, chắc, bóng, có mùi tanh tự nhiên, không lẫn mùi rêu với hàm lượng Ca trong khoảng 345 - 761 mg/kg, hàm lượng béo trong khoảng 0,33 - 0,82% và hàm lượng Omega 3 trong khoảng 39,4 - 93,9 mg/100g. Khi được nấu chín, tôm dễ bóc vỏ, bề mặt phần thịt sau khi bóc vỏ trơn bóng, phần thịt ôm sát vào nhau tạo thành thể thống nhất, phần đầu tôm chứa nhiều gạch màu đỏ cam. Tôm càng xanh chín có vỏ cứng, chắc, bóng, phần thịt có màu màu đỏ cam, chắc, giòn, dai, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, béo với tỉ lệ vỏ/thịt dưới 34,5 %.

Để nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00103 cho sản phẩm tôm càng xanh “Bến Tre”. 

Cua Bến Tre là một trong 5 sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Cua biển Bến Tre

Cua biển sống Bến Tre có vỏ sáng bóng, màu xanh lục hoặc vàng sẫm. Yếm cua rắn, chắc. Khi đun chín cua có thịt chắc, mùi thơm đặc trưng (không tanh), vị ngọt đậm, béo. Cua gạch chín có thịt thơm, chắc, vị béo. Gạch thơm, béo ngậy, ngọt đậm. Tỷ lệ ăn được của cua Bến Tre đạt 52,55-52,85%, hàm lượng axit Glutamic đạt 26,66-27,34 mg/g, Protein 2,71-3,13 gN/100 g; độ ẩm thịt 16,89-17,11%.

Cua Bến Tre có các đặc điểm đặc thù và chất lượng vượt trội nhờ sinh trưởng trong khu vực địa lý có các tính chất đặc trưng về điều kiện tự nhiên và phương pháp canh tác truyền thống của người dân địa phương. Môi trường sống thích hợp của cua con và cua trưởng thành có độ mặn là 2-38‰, thời kỳ đẻ trứng 22-32‰. Khu vực địa lý có độ mặn tối thiểu trên 2‰ (mùa mưa). Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực địa lý nói riêng bị xâm nhập mặn nặng. Xâm nhập mặn nặng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại phù hợp với đời sống của cua biển. Độ mặn của nước cao tạo cho “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt đậm.

Bên cạnh đó, cua biển sinh trưởng trong môi trường nước có độ pH 7,5-9,2 và thích hợp nhất từ 8,2-8,8. Độ pH của nước tại khu vực được bảo hộ địa lý dao động từ 7,3 đến 8,2, hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của cua biển. Mặt khác, khu vực này ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh. Ngoài ra, khu vực địa lý có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống, nơi trú ẩn, bãi đẻ cho cua biển cũng như cung cấp thức ăn trực tiếp (mùn bã, lá, trái rụng…) và gián tiếp qua các động vật ăn mùn bã làm mồi cho các loài cá, cua biển và một số động vật ăn thịt khác...

Chất lượng đặc thù của các sản phẩm “Cua biển Bến Tre” còn được quyết định bởi các thực hành sản xuất của người dân tại khu vực địa lý. Khác với nhiều vùng nuôi cua biển bằng phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh ở mức độ cao (sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh), “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh (không sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh).

Ngoài việc sử dụng thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao/đầm (thực động vật phiêu sinh, tôm, cá... lấy vào ao/đầm khi thủy triều dâng), các nguồn thức ăn bổ sung cho cua là cá tạp khai thác tại chỗ, hoặc cá rô phi băm viên nhỏ... Nhiều hộ gia đình còn kết hợp nuôi cua xen cá rô phi làm nguồn thức ăn cho cua. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt và mùi thơm (không tanh). Bên cạnh đó, kỹ thuật cải thiện môi trường ao/đầm nuôi cua và kiểm soát môi trường nuôi được tích lũy nhiều năm. Sau 2-3 vụ nuôi, ao/đầm nuôi “Cua biển Bến Tre” được nạo vét bùn, bón vôi để khử phèn, giải phóng độ phì tiềm tàng của đất.

Nguồn nước trong ao/đầm cua thường xuyên được thay mới theo các đợt triều cường có kiểm soát độ mặn. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn khỏe mạnh, cơ thể rắn chắc, thịt và gạch chắc. Việc thu hoạch cua (thu tỉa, thu toàn bộ) có tính chọn lọc. Chỉ những con đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được thu, những con không đủ tiêu chuẩn được tiếp tục nuôi. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn có chất lượng tốt.

Theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý được bảo hộ gồm xã: Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Thuận, An Quy, An Điền, Thạnh Hải, An Nhơn, Mỹ Hưng, xã Mỹ An và thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Xuân, An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây và An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Sầu riêng Cái Mơn

Cái Mơn là địa danh thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chữ “Cái” trong “Cái Mơn” có nghĩa là con rạch lớn, chữ “Mơn” được đọc trại từ chữ “Khmu” tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Theo nhà văn Sơn Nam, xưa kia hai bên bờ sông rạch của vùng đất Cái Mơn có rất nhiều ong làm tổ bởi đây là vùng đất của cây trái. Năm 2005, địa danh Cái Mơn được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam”. Trong các loại cây ăn quả ở khu vực này, sầu riêng là một trong những sản phẩm đặc trưng với chất lượng và danh tiếng gắn liền với địa danh “Cái Mơn” suốt gần một thế kỷ, được ghi nhận trong cuộc sống và ca dao, tục ngữ: “Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn; Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày”.

Sản phẩm sầu riêng Cái Mơn bao gồm hai giống: giống Monthong và giống Ri6. Sầu riêng giống Monthong có quả hình trụ, đỉnh nhọn, chia ngăn rõ, vỏ có màu vàng nâu khi chín. Cơm (thịt quả) có màu vàng nhạt, xơ trung bình, ráo, cơm rất dày, vị ngọt thanh, béo, mùi thơm nhẹ. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 3 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 64 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 29,6 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 6,4 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Về thành phần dinh dưỡng và khoáng chất, sầu riêng Cái Mơn có chất lượng vượt trội: năng lượng: ≥ 123 kcal; Brix: ≥ 19 0B; chất béo: ≥ 2,8 %; Protein: ≥ 3 %; Ẩm độ: ≤ 71 %; Vitamin C: ≥ 35 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 35 mg/kg; K: ≥ 3668 mg/kg; Na: ≥ 25,4 mg/kg; Fe: ≥ 2,2 mg/kg; Zn: ≥ 2,1 mg/kg.

Sầu riêng giống Ri6 quả có hình elip, vỏ màu xanh, hơi vàng khi chín, gai cao, thưa, chân gai có hình 5 cạnh và bóng láng. Cơm (Thịt quả) có màu vàng đậm, không xơ, ráo và cầm không dính tay, cơm dày, vị ngọt, béo, có mùi thơm đậm. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 2 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 68 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 24 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 8 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Thành phần dinh dưỡng: năng lượng: ≥ 103 kcal; Brix: ≥ 20 0B; chất béo: ≥ 2 %; Protein: ≥ 2,4 %; ẩm độ: ≤ 76,7 %; Vitamin C: ≥ 23,7 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 30 mg/kg; K: ≥ 3966 mg/kg; Na: ≥ 15 mg/kg; Fe: ≥ 1 mg/kg; Zn: ≥ 3,7 mg/kg.

Khu vực địa lý có các điều kiện đặc biệt về mặt địa hình, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu là các yếu tố tạo nên chất lượng đặc thù của sầu riêng Cái Mơn. Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình cao, bao gồm các dải đất cao ven các sông lớn và các giồng cát ven biển. Về thổ nhưỡng: Sa cấu đất thuộc nhóm thịt pha limon và sét, có khả năng thoát nước tốt; hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, calci và kali trao đổi trong đất cao. Nguồn nước tưới dồi dào từ các sông lớn như Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp cho chất lượng cơm của trái sầu riêng Cái Mơn không bị sượng khi chín như các vùng thiếu nước. Ngoài ra nguồn nước tưới giàu dinh dưỡng, không nhiễm mặn, có độ pH hơi kiềm nhẹ, hàm lượng Kali, Calci và Magie cao giúp cho sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt. Khí hậu của khu vực địa lý đặc biệt thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển với nhiệt độ trung bình khoảng 27 0C, ít biến động; lượng mưa trung bình năm thấp (từ 1200-1600 mm), tập trung vào các tháng 7, 8, 9 là thời điểm cây sầu riêng đã kết thúc thu hoạch giúp cho chất lượng cơm của quả sầu riêng Cái Mơn không bị nhão; biên độ nhiệt ngày đêm lớn; độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào tháng 12 đến tháng 1.

Ngoài ra các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như nhân giống vô tính, thiết kế vườn trồng theo hình thức xẻ mương, lên liếp, xây dựng đê bao quanh vườn, chủ động dự phong nguồn nước tưới bằng các giếng khoan cũng chính là yếu tố giúp tạo nên chất lượng có một không hai của sầu riêng Cái Mơn.

Khu vực địa lý bao gồm xã Hòa Nghĩa, xã Hưng Khánh Trung B, xã Long Thới, xã Phú Phụng, xã Phú Sơn, xã Sơn Định, xã Tân Thiềng, xã Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thành và thị trấn Chợ Lách thuộc huyện Chợ Lách; xã Tân Phú, xã Tiên Long, xã Tiên Thủy và xã Phú Đức thuộc huyện Châu Thành; xã Nhuận Phú Tân, xã Hưng Khánh Trung A, xã Phú Mỹ, xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Như vậy, với 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thấy Bến Tre là một trong số ít tỉnh, thành được sở hữu nhiều sản phẩm đặc thù, đặc sản có giá trị tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế địa phương.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang