Bến Tre: Tăng cường ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dừa

author 09:36 09/04/2020

(VietQ.vn) - Sở KH&CN tỉnh Bến Tre nhận định, việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dừa gia tăng mạnh mẽ số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm dừa, nâng cao uy tín sản phẩm dừa Việt Nam trên thị trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tăng cường công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa

Theo ông Huỳnh Cao Thọ, Trưởng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre), tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển nông nghiệp đặc biệt là kinh tế vườn và kinh tế biển, trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích trồng lớn nhất cả nước.

Số liệu thống kê từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre cho thấy, diện tích dừa của tỉnh đạt 72.289 ha với diện tích đang thu hoạch ổn định là 65.692 ha, sản lượng 615.473 tấn; diện tích dừa Bến Tre chiếm 42,5% tổng diện tích dừa cả nước, 0,6% diện tích dừa thế giới. Đặc biệt, Bến Tre có các giống dừa đa dạng với chất lượng tốt, năng suất dừa Bến Tre cao nên sản lượng chiếm 47,34% sản lượng cả nước, 0,9% sản lượng dừa thế giới.

Để hỗ trợ ngành dừa phát triển, tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 với mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa; đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Với chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung vào hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng (KH&CN), đặc biệt là khoa học ứng dụng, thực nghiệm để áp dụng vào sản xuất.

"Tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên cơ sở gắn sát nhu cầu thị trường, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng (KH&CN) vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo mô hình hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.

Nhiều nhiệm vụ KH&CN được triển khai nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm dừa, nhiều dòng sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ dừa được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chế biến xuất khẩu, đặc biệt, một số sản phẩm dừa đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu”, ông Huỳnh Cao Thọ cho hay.

Cũng theo ông Huỳnh Cao Thọ, tỉnh Bến Tre cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực thực hiện các nhiệm vụ KH&CN để tiếp cận các Chương trình KH&CN quốc gia; các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở do doanh nghiệp chủ trì thực hiện; hỗ trợ đầu tư các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất.

Cụ thể, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, Bến Tre có 07 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, 12 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 07 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được triển khai với tổng kinh phí là 155 tỷ đồng, trong đó, trung ương hỗ trợ 33,13 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học địa phương khoảng 12 tỷ, còn lại là phần vốn đối ứng của doanh nghiệp và của người dân.

Ngoài ra, đã cho vay lãi suất ưu đãi 08 dự án, với tổng số vốn cho vay là 15 tỷ đồng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN trên 140 tỷ đồng để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, có 04 hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 02 doanh nghiệp KH&CN ngành dừa của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước được ký kết, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao (tổng giá trị các hợp đồng là 253.756 triệu đồng).

Một dây chuyền sản xuất dừa tại Công ty TNHH MTV Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: báo Đồng Khởi 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp KH&CN còn được tỉnh chủ trương ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, tham gia các chương trình phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước, các nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương.

Đối với cây dừa, tỉnh đã đặt hàng nghiên cứu sâu về chuỗi giá trị với 12 đề tài, dự án KH&CN từ nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, máy móc thiết bị hỗ trợ cơ giới hóa, chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế cao, xây dựng, phát triển thương hiệu và tiếp cận thị trường.

Đối với các vùng trồng dừa và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa được hỗ trợ kinh phí xây dựng, áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GlobalGAP, VietGAP, ISO, HALAL, HACCP... Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các thương hiệu dừa có uy tín, tạo thế cho sản phẩm dừa Bến Tre tiếp tục giữ vững và phát triển trên các thị trường thế giới. Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông về cây dừa, tiến tới số hóa cây dừa….’

Giá trị ngành sản xuất chế biến dừa được nâng cao

Theo Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, sau hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp và nỗ lực giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất, chế biến dừa hiện đại, ngành dừa nói chung đã có nhiều bước tiến vượt bậc cả về năng suất và chất lượng.

Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, kết quả nghiên cứu đã tạo ra và ứng dụng thành công thiết bị sấy chỉ xơ dừa tự động 5 tấn/ngày; máy tách vỏ dừa công suất 800-1.000 quả/giờ; máy gọt vỏ nâu cơm dừa; dây chuyền sản xuất bụi than thành than viên gáo dừa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và bảo vệ môi trường; máy se chỉ xơ dừa tự động; máy se dây thừng chỉ xơ dừa không nối…

Trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa, nhiều dự án triển khai thành công, tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như mỹ phẩm từ dừa, thân thiện với môi trường (mặt nạ dưỡng da, mặt nạ collagen, dầu ủ tóc từ dừa, dầu gội từ dừa, nước rửa dưỡng da tay từ dầu dừa, giấy thấm dầu, dầu xua muỗi, son môi dừa….)

Các sản phẩm nổi bật như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng ĐBSCL; chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt; hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm từ dừa đã đạt được nhiều giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng như tranh giấy dừa, ống hút từ nước dừa, tinh dầu xua muỗi LOMOS từ dừa.

Kết quả đánh giá trình độ công nghệ đối với nhóm ngành sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh đạt xấp xỉ trình độ trung bình tiên tiến, trong đó có 02 doanh nghiệp đạt trình độ tiên tiến. Đặc biệt, yếu tố về công nghệ, thiết bị trong sản xuất, chế biến dừa của tỉnh Bến Tre đạt trình độ tiên tiến. Kết quả ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực công nghệ sản xuất, chế biến dừa từ trung bình thấp (giai đoạn 2011-2015) lên trình độ trung bình tiên tiến trong giai đoạn 2016 – 2018.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 525 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp ngành dừa khoảng 133 doanh nghiệp với hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa (giá so sánh 2010) năm 2018 ước đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,34% giá trị sản xuất công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 11,93%/năm (cao hơn mục tiêu chương trình xuất khẩu của tỉnh 1,13%). Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đến nay đã xuất khẩu sang 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ năm 2016 đến nay, các nhà máy chế biến dừa tiêu thụ khoảng 98% sản lượng dừa khô trong tỉnh tương đương trên 500 triệu trái, đạt khoảng 60% công suất thiết kế. Tốc độ đổi mới công nghệ giai đoạn 2016 – 2018 đạt 18%, đây là thước đo tác động của KH&CN đối với phát triển kinh tế, là chỉ số đo nỗ lực đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, chi phí sản xuất giảm 10% và giá trị tăng thêm của ngành dừa đạt trên 15%.

Đánh giá của Sở KH&CN cho thấy, nhìn chung hoạt động sản xuất chế biến và tiêu thụ dừa có bước phát triển khá, có nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa với quy mô lớn, sản lượng các sản phẩm mới có sự tăng trưởng khá.

Bảo Linh

Phương pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời dịch Covid-19(VietQ.vn) - Phương pháp 5S được coi là phương pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp ty nâng cao việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tạo môi trường làm việc an toàn, trong bối cảnh bùng nổ dịch Covid-19 như hiện nay.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang