Bị phạt 5 triệu đô la Úc vì quảng cáo quần áo có thể ngăn chặn COVID-19

author 14:50 26/07/2021

(VietQ.vn) - Một công ty thời trang tại Úc vừa bị phạt 5 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 85 tỷ đồng Việt Nam) vì có những quảng cáo 'nổ' cho rằng quần áo của hãng này có thể loại bỏ và ngăn chặn COVID-19.

Cụ thể, Công ty thời trang thể thao Lorna Jane của Úc đã quảng cáo quần áo của họ sử dụng "một công nghệ đột phá" được gọi là LJ Shield để ngăn chặn "sự lây lan của tất cả mầm bệnh", trong đó có cả COVID-19.

Tuy nhiên, tòa án cho rằng công ty này đã có hành vi "lợi dụng, trấn lột và tiềm ẩn những nguy hiểm". Tòa tuyên phạt công ty trên 5 triệu AUD (tương đương 85 tỷ đồng) vì "quảng bá sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và tham gia vào các hành vi có thể gây hiểu lầm cho công chúng".

Được biết, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã đưa vụ việc ra tòa sau khi Lorna Jane bắt đầu quảng bá loại quần áo này vào tháng 7/2020 trong đại dịch COVID-19.

Lorna Jane - doanh nghiệp có các cửa hàng trên khắp Australia, New Zealand, Mỹ và Singapore - phải công bố đính chính và không được phép đưa ra bất kỳ tuyên bố có khả năng chống virus nào liên quan đến quần áo trong 3 năm trừ khi có cơ sở hợp lý. Tuần trước, công ty này cũng đã bị phạt 40.000 AUD vì quảng cáo bất hợp pháp liên quan đến COVID-19.

Lorna Jane bị phạt 5 triệu đô la Úc vì quảng cáo "nổ" liên quan đến COVID-19. 

Liên quan tới những thông tin sai sự thật về chữa trị, điều trị COVID-19, Bộ Y tế Indonesia cũng vừa ra thông tin khẳng định, sữa tiệt trùng hay nước dừa tươi không thể ngăn ngừa và chữa khỏi COVID-19 như thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội.

Cụ thể, trước tình trạng các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, người dân Indonesia đã tích trữ thực phẩm, đồ uống như sữa tiệt trùng, dừa tươi hay gia vị .... Thậm chí, trên các nhóm chat, mạng xã hội tại Indonesia còn có thông tin lan truyền rằng những thực phẩm này hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị COVID-19, dẫn tới nhu cầu và giá cả một số mặt hàng này tăng lên chóng mặt.

Một số quan chức y tế Indonesia ngay lập tức lên tiếng bày tỏ lo ngại về các thông tin giả có thể dẫn đến sự lơ là, chủ quan của người dân trong việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch. TS. Siti Nadia Tarmizi, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh truyền nhiễm Indonesia cho biết đã có thông tin sai lệch lan truyền trên mạng rằng một số thực phẩm có thể giúp chữa trị COVID-19, ngăn ngừa bệnh hay giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

“Không hề có thử nghiệm lâm sàng cho thấy những thực phẩm này hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứ đừng nói tới là chữa khỏi COVID-19”, bà Siti Nadia Tarmizi nói. Bà Tarmizi cũng cho biết Bộ Y tế Indonesia đã liên tục cảnh báo người dân không tích trữ những thực phẩm này. Tuy nhiên, dường như một số người đã lờ đi cảnh báo từ phía Bộ Y tế Indonesia.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang