Bình Định: Tạm giữ lô hàng lớn hàng chục nghìn sản phẩm không hóa đơn chứng từ

author 11:20 13/08/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ lô hàng lớn hàng chục nghìn sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, trong đó có 7.010 chiếc khẩu trang.

Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng PC03 - Công an tỉnh Bình Định triển khai kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông đã phát hiện số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.

Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 3-Phòng PC03 Công an tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn; kết quả đã phát hiện và tạm giữ số lượng lớn khẩu trang, hàng may mặc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… có dấu hiệu vi phạm hành chính, không có hóa đơn chứng từ, cụ thể: 4.151 đơn vị sản phẩm giày, dép, túi xách, kim xăm,… các loại; 7.010 chiếc khẩu trang; 115 chiếc/dây/bộ máy, nồi, hàng điện, điện tử; 2.209 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm; 100 bì thuốc gia truyền và và 352 đơn vị sản phẩm thực phẩm, viên uống các loại.

 Lô hàng bị phát hiện, tạm giữ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bình Định

Trước đó liên tiếp trong 2 ngày 6, 7/8/2020, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 2 xe ô tô tải biển kiểm soát: 29H – 284.xx và 29H-419.xx, đã phát hiện có vận chuyển số lượng hàng hóa vi phạm nêu trên, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 500.000.000 đồng.

Trong lô hàng trên, khẩu trang là sản phẩm hiện đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, do diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Thời gian gần đây, sản phẩm này liên tiếp bị phát hiện là hàng giả, hàng nhái, hàng không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Theo Tổng Cục QLTT, hiện nay bên cạnh sản xuất khẩu trang “chui”, tình trạng vận chuyển trái phép khẩu trang y tế diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành. Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức vì hám lợi mà kinh doanh, vận chuyển trái phép mặt hàng khẩu trang, trong khi cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19. Đây là hành vi coi thường pháp luật cần phải có biện pháp xử lý nghiêm ngặt.

Điều nguy hiểm chính là sản phẩm khẩu trang y tế, dung dịch diệt khuẩn không rõ nguồn gốc, bảo đảm các yêu cầu về y tế sẽ gây nhiều hệ lụy cho người sử dụng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các địa phương. Trên thực tế, dùng những khẩu trang này không những không bảo vệ được bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn có nguy cơ gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp... Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý tình trạng sản xuất khẩu trang y tế “chui”, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; cũng như việc găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế khác… Những hành vi phạm pháp này cần được ngăn chặn tận gốc.

Cũng theo Tổng Cục QLTT, sản xuất khẩu trang y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển... Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất khẩu trang y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế theo quy định. Nếu hành vi nêu trên đáp ứng đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ nghiêm trọng...

Về phía người tiêu dùng, để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chọn mua các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang