Bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh

author 06:36 16/07/2021

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương tích cực tăng cường chỉ đạo về bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu trong tình hình dịch bệnh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP và an toàn dịch bệnh.

Đảm bảo ATTP trong lưu thông hàng hóa

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, trong nửa đầu năm 2021, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Điều đó đã khẳng định vai trò của công tác bảo đảm ATTP của ngành Công Thương trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, góp phần cung cấp giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Trong công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, việc duy trì được mạng lưới triển khai hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương từ cấp Bộ đến địa phương, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo định kỳ tới Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và phối hợp liên ngành chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đã giúp Bộ Công Thương kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương và các tổ chức/cá nhân có liên quan trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid 19 và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm. 

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các siêu thị 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện để triển khai hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm. Việc Bộ chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ cũng góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Lũy tích đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 03 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm

Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý an toàn thực phẩm.

Kết quả, các Kế hoạch của Ban chỉ đạo cho thấy việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được chính quyền các cấp của 08 tỉnh được kiểm tra (Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định và Thái Bình) tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp được kiện toàn, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo đúng yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn địa bàn được phân công quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong thời gian triển khai các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm năm 2021, trên địa 08 tỉnh nêu trên không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Qua đó đã góp phần đề cao vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị chức năng trong Bộ, các cơ quản lý nhà nước ngành Công Thương tại các cấp hành chính địa phương (Sở Công Thương, Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng) trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; việc triển khai các hoạt động được thống nhất từ Trung ương đến địa phương và có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đó cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành đã góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trước một số sự cố gây mất an toàn thực phẩm có tính chất nghiêm trọng như ngộ độc bánh mì tại Đắk Lắk, Quảng Ngãi và các cảnh báo quốc tế về các hóa chất, phụ gia tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các hoạt động truy xuất, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn; cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ thông qua trao đổi điện thoại, email công vụ cho công chức Sở Công Thương/Ban Quản lý an toàn thực phẩm trong việc xác định nguyên nhân, hướng dẫn biện pháp khắc phục tránh tái phạm. Theo đó, đến hết tháng 5, trên địa bàn cả nước không xuất hiện thêm ca ngộ độc thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương. 

Tuy nhiên, trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, một số ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh bình thường. Các ngành như du lịch, giải trí, ăn uống…mặc dù đã được nới lỏng nhưng vẫn chưa được phục hồi như trước, còn hoạt động dè chừng, do vậy việc kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương tại một số địa phương biến động, không đồng nhất.

Hơn nữa, kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị giành cho công tác tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm (đặc biệt là các động vật mang dịch bệnh, hàng hoá không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sức khoẻ, môi sinh, môi trường...); tiêu hủy thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sau thanh tra, phát hiện xử lý còn thiếu gây ra nhiều khó khăn cho công tác tiêu hủy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nhiệm vụ mục tiêu trong những tháng cuối năm

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng ngành Công Thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ theo phạm vị chức năng được phân công. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai diện rộng Văn bản hợp nhất số 18/VBHN-BCT ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương giữa Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, cơ quan quản lý nhà nước của ngành Công Thương địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và dịp cuối năm, Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần, đặc biệt chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc; cơ quan Quản lý thị trường địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đặc biệt, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, phối hợp các nước trong kiểm tra tại nguồn; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Covid-19.

Diệu Hương

 

Áp dụng ISO 22000:2018 – hạn chế rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm (VietQ.vn) - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 hướng tới tư duy nhận diện dựa trên rủi ro và chuẩn hoá quá trình trong hệ thống, đem đến niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang