Bộ Công an khuyến cáo tình trạng shiper mạo danh lừa đảo

author 07:28 22/03/2025

(VietQ.vn) - Mới đây Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo, tình trạng shiper mạo danh lừa đảo chuyển tiền đang gia tăng người dân nên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn có bảo mật cao như thẻ tín dụng, PayPal…

Bộ Công an cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội vừa nhận được trình báo của chị T. (48 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo.

Theo trình báo, một đối tượng tự xưng là nhân viên công ty giao hàng đã thông báo chị T. chuyển tiền vào nhầm tài khoản. Sau đó chúng hướng dẫn chị T. truy cập website "igiaohangtietkiem.online" để hủy bỏ đăng ký tài khoản. Đối tượng lấy các lý do như nhập sai thao tác, nâng điểm tín nhiệm, đăng ký bảo hiểm giải ngân, bảo hiểm chống rửa tiền… để yêu cầu chị T. phải chuyển khoản tiền mới có thể rút khoản tiền cũ về. Sau khi chuyển 800 triệu đồng đến các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, chị T. mới phát hiện mình bị lừa đảo.

Tương tự, chị Quyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi thông báo có giấy tờ quan trọng của Bảo hiểm xã hội gửi đến nhưng vẫn ở Bưu cục Hà Nội, giờ cần chị chuyển khoản một số tiền (50.000 đồng) để xác minh thông tin.

Chị Quyên có hỏi lại vì sao cần chuyển khoản trước thì đối tượng trả lời do số lượng đơn hàng quá nhiều nên cần chuyển khoản trước để kiểm tra thông tin. Tiếp đó chị nhận được 1 đường link thanh toán. Do cảnh giác, chị Quyên không làm theo yêu cầu và gửi số điện thoại lừa đảo đến cơ quan chức năng. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp chuyển phát, một chiêu trò phổ biến là đối tượng giả danh shipper đến trực tiếp tại nhà nạn nhân, yêu cầu thanh toán trước qua chuyển khoản vì lý do "công ty yêu cầu" hoặc "do đơn hàng chưa được xác nhận thanh toán."

Cần cảnh giác trước chiêu trò tinh vi của shiper lừa đảo khi nhận hàng. Ảnh minh họa

Ngoài trường hợp nêu trên, Công an Hà Nội cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thống kê từ danh sách 72 website mới được phát hiện giả mạo sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử, các thương hiệu lớn và giả mạo website cơ quan, tổ chức Nhà nước của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận trong tháng 1/2025, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh...

Thủ đoạn của các đối tượng là hối thúc khách chuyển khoản. Ngay sau khi hoàn tất chuyển khoản, người dân sẽ bị chặn số liên lạc mà không nhận được bất kỳ món hàng nào.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn dàn dựng tình huống người dân chuyển nhầm số tài khoản để đăng ký làm hội viên shipper, hoặc tài khoản kích hoạt gói bảo hiểm. Chúng sau đó yêu cầu người dân gọi lên tổng đài để hủy, nếu không sẽ mất số tiền đã chuyển và bị trừ tiền mỗi tháng.

Khi làm theo, nạn nhân bị dẫn dụ chuyển khoản thêm tiền hoặc bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để nhận lại tiền. Từ đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản của nạn nhân. Để chủ động phòng ngừa với thủ đoạn trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân luôn theo dõi tiến trình giao đơn trên ứng dụng hoặc website của các đơn vị vận chuyển. Đồng thời, người dân nên cảnh giác với các giao dịch bất thường, kiểm tra thông tin của người bán và shipper trước khi chuyển tiền; không chuyển tiền cho người lạ hoặc các tài khoản không rõ nguồn gốc và chỉ chuyển tiền cho shipper khi trực tiếp nhận hàng.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro bị shipper mạo danh lừa chuyển khoản, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn, có bảo mật cao như thẻ tín dụng, PayPal… hoặc có thể chọn thanh toán trước đơn hàng bằng tài khoản ngân hàng ngay khi đặt, thay vì thanh toán COD hoặc tiền mặt.

Đặc biệt, nhà chức trách đề nghị người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Việc công khai thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ trên mạng xã hội trong các buổi livestream có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của kẻ gian. Chúng có thể sử dụng thông tin này để mạo danh hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Người mua nên nhắn tin riêng với người bán để trao đổi thông tin đặt hàng.

Về phía các doanh nghiệp bưu chính hiện đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu, củng cố bảo mật, an toàn thông tin của toàn bộ hệ thống, đặc biệt là các hệ thống chứa dữ liệu đơn hàng; đồng thời đưa ra các khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác. 

Dấu hiệu để khách hàng nhận biết lừa đảo là Không có thông tin đơn hàng (nhận bưu kiện mà trước đó không có thông tin đặt hàng hoặc xác nhận từ người gửi); nhân viên giao hàng không có đồng phục hoặc giấy tờ xác minh (Shipper không mặc đồng phục, không có thẻ nhân viên hoặc thông tin liên lạc rõ ràng); yêu cầu thanh toán tiền mặt bất thường (Đối tượng yêu cầu thanh toán gấp mà không cho kiểm tra hàng).

Cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng (Đối chiếu thông tin trên bưu kiện với các giao dịch đã thực hiện); xác minh nhân viên giao hàng. Yêu cầu nhân viên giao hàng xuất trình thẻ nhân viên và đồng phục. Với các đơn hàng nhận qua bưu điện, khi giao hàng, bưu tá sẽ luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại thông tin trước với khách về bưu gửi và không yêu cầu chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến.

Để tránh bị lộ lọt thông tin, khách hàng không cung cấp, để lại thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến và kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang