Người tiêu dùng cần lưu ý để phòng tránh lừa đảo khi mua sắm trực tuyến

author 05:56 17/03/2025

(VietQ.vn) - Chọn trang thương mại điện tử uy tín, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, trang bị đầy đủ thông tin về quyền lợi người mua hàng, sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế rủi ro khi mua sắm trực tuyến.

Để đảm bảo sự thống nhất với định hướng của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), chiến dịch An Tâm Vui Sắm nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về 5 chủ đề chính.

Đó là: Trách nhiệm của doanh nghiệp và các bên thứ ba - đặc biệt là người có ảnh hưởng trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch cho người tiêu dùng; tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người tiêu dùng và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin khách hàng.

Chiến dịch cũng tập trung vào các phương thức giúp người tiêu dùng chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp phát sinh khiếu nại, tranh chấp với bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò của người tiêu dùng và người có tầm ảnh hưởng trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến liên quan đến thương mại điện tử.

Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các nhà bán hàng, người có tầm ảnh hưởng về quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến. (Ảnh minh họa).

Nhằm hướng tới xây dựng trải nghiệm thương mại điện tử an toàn và đáng tin cậy, người tiêu dùng cần ghi nhớ và áp dụng 3 khuyến nghị sau để chủ động kiến tạo trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy:

- Ưu tiên lựa chọn nhà bán hàng uy tín: Người tiêu dùng được khuyến khích lựa chọn các nhà bán hàng đủ điều kiện tham gia Trung tâm Thương mại của nền tảng hoặc sở hữu số điểm đánh giá sao cao và có các phản hồi tích cực.

- Tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm: Người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ nhà bán hàng uy tín; các sản phẩm được trang bị hình ảnh và thông tin rõ ràng, sở hữu lượt mua cao và nhận được đánh giá tốt từ người dùng; cũng như các sản phẩm được gắn nhãn "Hàng Việt", "OCOP", "Mall"; sản phẩm tuân thủ đúng quy trình rà soát được đưa lên nền tảng bởi người bán, cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

- Trang bị đầy đủ thông tin về quyền lợi người mua hàng: Người tiêu dùng được khuyến khích chủ động cập nhật các thông tin về quyền lợi của người tiêu dùng để có cách xử lý thích hợp, đặc biệt trong những trường hợp cần khiếu nại. Hiện một số nền tảng như TikTok Shop đã cung cấp chính sách đổi trả và hoàn tiền với mục tiêu giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm.

Để nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Ðặc biệt, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; đồng thời bảo đảm quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhất là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn. Người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khi mua sắm online bằng cách chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, lựa chọn nền tảng mua sắm, đơn vị vận chuyển an toàn, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý…

Việc người tiêu dùng có nhận thức tốt về quyền lợi của bản thân cũng như có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia mua sắm trực tuyến cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp, nhà bán hàng và các KOL, KOC đầu tư nhiều hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, qua đó cùng xây dựng một môi trường thương mại điện tử an toàn và bền vững.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang