Bộ Công Thương: Nguồn cung hàng hoá trên địa bàn Hà Nội vẫn đảm bảo

author 07:09 04/08/2021

(VietQ.vn) - Trước sự việc hàng loạt cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đóng cửa vì liên quan đến chùm lây nhiễm tại Công ty TNHH Thanh Nga, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội có phương án bố trí điểm bán hàng bổ sung, lưu động, đảm bảo nguồn cung.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mới đây nhất, việc Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu.

Cụ thể, tối ngày 02/08/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin cụ thể về 52 địa điểm có F0 là nhân viên giao hàng của Công ty Thanh Nga (địa chỉ 82 ngõ 851 Minh Khai, Thanh Lương) trong thời gian từ ngày 27/07đến 30/07/2021.

Trước thông tin trên, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc cho biết công ty đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiến hành truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh, cách ly y tế theo quy định, phun khử khuẩn cửa hàng, siêu thị, tạm đóng cửa cửa hàng, siêu thị để cách ly những người liên quan, thay thế nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng, cán bộ nhân viên.

Chùm lây nhiễm tại Công ty Thanh Nga sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa tại nhiều điểm trên phạm vi TP.Hà Nội

Liên quan tới các ca nhiễm Covid-19 ở Công ty Thanh Nga, chiều 02/08, thêm 14 siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+ phải đóng cửa, nâng tổng số điểm bán của VinCommerce liên quan các ca nhiễm của nhà cung cấp thực phẩm Thanh Nga lên 37, tính từ ngày 01/08.

Đại diện VinCommerce (chủ sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+) cho biết, Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị, cửa hàng của VinCommerce tại Hà Nội. Đến chiều 02/08, xác định có 8 siêu thị VinMart, 15 cửa hàng tiện ích VinMart+ phải rà soát y tế do liên quan tới các ca F0 của Công ty Thanh Nga, trong đó 8 siêu thị VinMart tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Long Biên. 

Còn 15 cửa hàng VinMart +, gồm 8 cửa hàng tại Hà Nội, tập trung tại quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. 7 cửa hàng VinMart+ còn lại tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã trao đổi với Sở Công Thương Hà Nội và được biết, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống. “Hiện các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn được bảo đảm", Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường. Tuy vậy, một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, dựa theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay lượng hàng hóa dự trữ cũng như khả năng cung ứng của doanh nghiệp phân phối hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị như BRG, BigC, MM Mega Market, AEON... tăng cường công tác phòng, chống dịch, việc giao nhận hàng phải đảm bảo nguyên tắc 5K cũng như các nguyên tắc phòng, chống dịch mà Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp để hướng dẫn các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại. 

Ngoài ra, ông Trần Duy Đông đưa ra nhận định về làn sóng dịch bệnh quay trở lại, Bộ đã có đề nghị lên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và có công văn gửi các địa phương, trong đó có Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở Công Thương để có ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu cung ứng hàng hóa, trong đó có các nhân viên làm việc tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống.

Ngay trong ngày 02/08, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4648/BCT-TTTN về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội có phương án bố trí các điểm bán hàng, phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời rà soát kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Tính đến sáng 3/8 Việt Nam có 165.339 ca nhiễm trong đó có 2.287 ca nhập cảnh và 163.052 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 161.482 ca, trong đó có 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 

CDC Hà Nội khẩn thiết đề nghị người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19. Số điện thoại đường dây nóng do CDC Hà Nội cung cấp là 0969.082.115 hoặc 0949.396.115.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang