Bỏ tem thu phí đường bộ: Tiện lợi cho người dân, phù hợp xu hướng số hóa

author 06:56 08/06/2025

(VietQ.vn) - Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất bãi bỏ quy định dán tem thu phí sử dụng đường bộ trên kính xe ô tô trong quá trình góp ý sửa đổi Nghị định 90/2023/NĐ-CP. Động thái này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hành chính mà còn được đánh giá là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong công tác quản lý phương tiện, thu phí giao thông đường bộ hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, việc dán tem giấy từng được đưa ra nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng trong kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ phương tiện. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập.

Một trong những vấn đề lớn là hiện chưa có quy định rõ về cơ quan kiểm tra, xử phạt đối với phương tiện không dán hoặc chưa nộp phí. Trong khi đó, dữ liệu thu phí sử dụng đường bộ đã được tích hợp đầy đủ trên hệ thống điện tử, cho phép kiểm tra dễ dàng chỉ bằng vài thao tác tra cứu.

"Chỉ cần truy cập hệ thống quản lý thu phí hoặc cổng thông tin đăng kiểm là có thể xác định phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa. Không cần thêm một miếng tem giấy để chứng minh điều đó", Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định sửa đổi.

Việc bỏ tem thu phí được xem là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2025–2026. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý và giám sát tem giấy, đề xuất này còn giảm thiểu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đăng kiểm, lưu hành phương tiện.

Đánh giá về quá trình thực hiện Nghị định 90/2023/NĐ-CP, Bộ Xây dựng cho rằng các quy định hiện hành đã bước đầu phát huy hiệu quả trong quản lý thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Nhờ sự phối hợp với các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc, việc thu phí được thực hiện bài bản và đồng bộ. Tính đến cuối năm 2024, tổng thu phí sử dụng đường bộ lần đầu tiên vượt ngưỡng 14.000 tỷ đồng – một con số ấn tượng, cho thấy nguồn lực tài chính lớn phục vụ cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống hạ tầng giao thông.

Bỏ tem thu phí đường bộ: Tiện lợi cho dân, phù hợp xu hướng số hóa.

Tuy vậy, quá trình triển khai cũng phát sinh một số bất cập. Nhiều phương tiện tạm dừng lưu hành như xe bị tạm giữ, hết hạn đăng kiểm hoặc không còn sử dụng vẫn bị truy thu phí, gây phản ứng trong dư luận. Các thủ tục xác nhận phương tiện ngừng hoạt động chưa có hướng dẫn thống nhất, khiến cơ quan đăng kiểm và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xử lý hồ sơ.

Một vấn đề khác cũng được Bộ Xây dựng đề cập là việc áp dụng mức phí chưa hợp lý đối với xe buýt vận tải hành khách công cộng – kể cả xe buýt đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được trợ giá. Hiện các phương tiện này vẫn phải nộp phí tương đương ô tô con dưới 10 chỗ ngồi. Điều này đi ngược với mục tiêu khuyến khích phát triển giao thông công cộng, đồng thời gây thêm áp lực tài chính cho các đơn vị vận hành xe buýt.

Trở lại với đề xuất bỏ tem giấy, các chuyên gia cho rằng đây là bước đi cần thiết trong tiến trình hiện đại hóa công tác quản lý phương tiện giao thông. Trong bối cảnh hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc quản lý thu phí hoàn toàn có thể thực hiện qua dữ liệu số, giúp nâng cao tính minh bạch, hạn chế gian lận và giảm thiểu các quy trình thủ công.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực hành chính công khác đã và đang dần loại bỏ những thủ tục mang tính hình thức, thay vào đó là hệ thống quản lý tập trung, kết nối liên ngành. Ngành giao thông – vận tải, với lượng phương tiện ngày càng tăng, càng cần những giải pháp quản lý thông minh để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội hiện đại.

Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được chấp thuận, hệ thống thu phí sử dụng đường bộ sẽ tiến thêm một bước trong tiến trình số hóa và tinh gọn bộ máy quản lý. Người dân không còn phải nhớ hạn dán tem, không cần thực hiện thêm thủ tục khi đăng kiểm. Cơ quan chức năng cũng thuận tiện hơn trong kiểm tra, xử lý vi phạm nhờ hệ thống dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực.

Từ một miếng tem giấy nhỏ, vấn đề đặt ra là tư duy cải cách lớn hơn. Chuyển đổi số không chỉ là đầu tư thiết bị hay xây dựng phần mềm, mà là cách cơ quan nhà nước sẵn sàng thay đổi thói quen quản lý cũ, loại bỏ những yếu tố hình thức, lạc hậu, để tạo ra một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang