Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm trong môi trường sinh thái thuận lợi

author 10:46 10/06/2019

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi, trong đó, rất cần vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Phát biểu tại Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ toàn cầu, khởi nghiệp mà đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia nói riêng và của khu vực nói chung.

“Khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi, trong đó, rất cần vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp; nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các định chế tài chính công - tư; hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; vai trò của các trường đại học trong cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao; thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn và yếu tố văn hóa - văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích người trẻ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi ý tưởng sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro, thất bại để đến đích thành công”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hán Hiển 

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể trở thành các doanh nghiệp trưởng thành tăng trưởng nhanh đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái  khởi nghiệp sáng tạo năng động có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ của tất cả các thành tố trên trong hệ sinh thái.  

Với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ.

Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái.

Điển hình là Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao chủ trì thực hiện, đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ khi “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” và “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” còn là các khái niệm rất mới mẻ ở Việt Nam.

Học hỏi kinh nghiệm từ Phần Lan - một quốc gia ở tốp đầu thế giới về năng lực đổi mới sáng tạo, Chương trình IPP đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững ở Việt Nam thông qua hỗ trợ chuyên gia xây dựng các chính sách lớn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; bồi dưỡng năng lực về quản trị khởi nghiệp sáng tạo cho hàng trăm cán bộ quản lý ở các Bộ, ngành và địa phương; đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo cho hơn 50 trường đại học trong cả nước; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp Bắc Âu và Đông Nam Á; đặc biệt, đã triển khai thành công mô hình tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh nuôi giấc mơ chinh phục thế giới (Go Global).

Abivin, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vừa giành Giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Hoa Kỳ 1 triệu USD - là nhóm khởi nghiệp được IPP hỗ trợ tài chính và đào tạo khởi nghiệp ban đầu ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, thậm chí chưa thành lập doanh nghiệp. Thành công của Abivin cho thấy vai trò bà đỡ từ Chính phủ là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để vượt qua Thung lũng chết (Valley of Death) và bản thân Nhà nước và các cơ quan Chính phủ phải dũng cảm đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và hướng các nhóm khởi nghiệp trẻ mơ giấc mơ lớn, “Go Global” ngay từ giai đoạn tiền khởi nghiệp.

Tháng 5/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV - Vietnam Silicon Valley). Đây là sáng kiến ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mô hình học tập từ Hoa Kỳ, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, kết nối với khách hàng lẫn nhà đầu tư tiềm năng, nhận được vốn tài trợ để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực.

Với Đề án này, lần đầu tiên có một chương trình, khóa học “tăng tốc khởi nghiệp” hoạt động như một “vườn ươm” giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngay từ năm đầu tiên, vườn ươm này đã ươm tạo được 9 startup, gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư. Sau 5 năm, VSV đã phát triển mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu hút và ươm tạo thành công hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tỉ lệ gọi vốn thành công của các doanh nghiệp sau thời gian ươm tạo từ VSV đạt tới trên 35%, một số doanh nghiệp thành công nổi bật có thể kể tới như Lozi, SchoolBus...

Ngoài ra, Bộ KH&CN còn triển khai một số chương trình, đề án nổi bật khác như Dự án BIPP tài trợ bởi chính phủ Bỉ, hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp, Dự án VCIC tài trợ bởi World Bank, Chính phủ Australia, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2016, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN và các bộ ngành triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), đánh dấu một động thái quyết liệt hơn của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp theo đó là sự ra đời của các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). 

Về chính sách của nhà nước để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tham mưu, xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản hướng dẫn với các nội dung: (i) hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng việc miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; (ii) Quy định việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về cơ sở vật chất, đào tạo - huấn luyện, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực…; (iii) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập từ khoản đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; (iv) Quy định chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số cơ chế hỗ trợ khác cũng được quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xin ý kiến các Bộ, ngành rà soát và xem xét trình cấp có thẩm quyền các nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bãi bỏ thủ tục tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hoặc trong các lĩnh vực đã được cấp phép trước đây hoặc lĩnh vực mà luật pháp Việt Nam không hạn chế hoặc cấm.  

Hiện nay, với nỗ lực tham gia của các thành phần, đặc biệt sự gắn kết tương đối chặt chẽ của cả khu vực công và khu vực tư nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động và phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thêm, theo một số nguồn thống kê uy tín từ nước ngoài, hiện Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong top dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và Thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có sự phát triển bùng nổ, cả về chất và về lượng. Các thành phần của hệ sinh thái có nhiều hoạt động tích cực, tính liên kết và phối hợp ngày càng chặt chẽ, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhằm xây dựng và phát triển hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam dần từng bước đã có nhiều startup tên tuổi được khẳng định, như VNG (startup Việt Nam đầu tiên được định giá trên 1 tỷ USD), một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận được các khoản đầu tư lớn từ vài chục tới hàng trăm triệu đô-la Mỹ như vatgia, Tiki, Sendo, Momo.

Lượng quỹ đầu tư, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, khu làm việc chung cũng tăng mạnh trong những năm qua. Điển hình như số lượng khu làm việc chung thống kê lên tới gần 70 khu, cùng nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong các trường đại học, viện nghiên cứu... cung cấp không gian sáng tạo, đổi mới và hỗ trợ tích cực và tương đối hiệu quả cho các nhóm khởi nghiệp ĐMST.

Về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh) hiện nay đang là 40 tổ chức, tăng khoảng 30% so với năm 2016 (30 tổ chức). Trong đó có một số tổ chức thuộc cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp của các trường Đại học; tổ chức tư nhân hoặc nước ngoài thành lập. Một số tên tuổi tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp CNC Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp CNC TP. Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng (DNES); Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC); hay Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST tại Hà Nội.

Một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh tiêu biểu tại Việt Nam có thể kể đến Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); CLAS – Expara Vietnam Accelerator được đầu tư bởi Microsoft Việt Nam và quỹ đầu tư KNST tại Đông Nam á Expara; Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) vừa là quỹ đầu tư KNST giai đoạn đầu, vừa là tổ chức thúc đẩy kinh doanh với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV.

Bên cạnh đó, các hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo cũng được tích cực triển khai trên toàn quốc, với sự tham gia sôi nổi của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà đầu tư,… như: Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tổ chức từ năm 2016 đến nay, trở thành sự kiện thường niên lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, thu hút hàng nghìn người tham dự với kết quả kết nối đầu tư ấn tượng tới hàng triệu đô-la Mỹ hàng năm; tổ chức các diễn đàn, hội nghị cấp cao với quy mô quốc tế lớn như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 (WEF)…

Về kết quả đầu tư, theo báo cáo của Topica Founder Institutes từ năm 2015 - 2018, các thương vụ đầu tư vào các startup Việt không ngừng tăng lên cả về số lượng các thương vụ đầu tư và số tiền đầu tư trong mỗi thương vụ. Nếu như trong năm 2015, tổng số tiền đầu tư trong các thương vụ đầu tư cho startup Việt là 136 triệu USD, thì đến năm 2018, tổng số tiền đầu tư mà các startup Việt nhận được là 889 triệu USD.

Quang cảnh Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019. Ảnh: Hán Hiển

Năm 2019, hoạt động đầu tư tại Việt Nam tiếp tục diễn ra hết sức sôi động. Trong nửa đầu năm 2019, hàng chục thương vụ đầu tư đã được công bố với số tiền đầu tư vào các startup Việt ước tính lên đến 208 triệu USD chưa kể các thương vụ lớn chưa được công bố chính xác số tiền đầu tư. Ví điện tử Momo - startup trong lĩnh vực fintech - nhận được khoản đầu tư lên đến 100 triệu USD vào tháng 1/2019, đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà một startup Việt nhận được.

Cùng với đó là sự gia tăng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo. Tới thời điểm hiện tại, thống kê cho thấy có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures, Mekong Capital...

Tại các địa phương trong cả nước, tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, thể hiện qua việc ban hành nhiều quyết định, kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Với kết quả đạt được ấn tượng như vậy, dư địa phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thực sự vẫn còn rất nhiều. Tiềm năng phát triển, cả về con người, cơ sở hạ tầng lẫn tư duy và tiềm năng vốn cũng còn rất nhiều khả năng phát triển.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng và phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển và hoàn thiện công nghệ, liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để vững tin bước ra thị trường toàn cầu.

Đối với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, việc kết nối quốc tế để phát triển kiến thức, kinh nghiệm hoạt động và nguồn vốn đầu tư vào các ý tưởng, công nghệ mới là hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong các giải pháp giúp nâng cao chất lượng, khả năng sinh tồn, phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên thị trường. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ hoan nghênh sự tham gia của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp, các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ trên khắp thế giới đến với Diễn đàn hôm nay, chung tay với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và phát triển cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước, thúc đẩy sự kết nối và tương tác với các cộng đồng khởi nghiệp mạnh trên toàn cầu nhằm kết nối đồng sáng tạo các ý tưởng sáng tạo và giải pháp thông minh, mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho quốc gia và cộng đồng.

Tôi hy vọng Diễn đàn cũng sẽ mang lại các thông tin và chia sẻ hữu ích đối với các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quốc tế và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, từ đó khởi tạo các cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai giữa hai bên. Tôi tin tưởng rằng, thành công của Diễn đàn hôm nay sẽ mở ra cơ hội trao đổi, hợp tác ở tầm cao hơn và thường xuyên hơn giữa Chính phủ với các nhà đầu tư khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong nỗ lực kiên trì kết nối tương tác, chia sẻ tinh thần đổi mới sáng tạo mở, giúp cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới và cộng đồng đầu tư khởi nghiệp quốc tế đến với Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hán Hiển

Sắp diễn ra Tọa đàm Khởi nghiệp Quốc gia 2019 'Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0'(VietQ.vn) - Với mục tiêu truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm và khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ, Tọa đàm Khởi nghiệp Quốc gia 2019 “Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0” sẽ diễn ra tại FLC Hạ Long vào ngày 2/6 tới đây.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang