Bột tam thất bắc nguyên chất dễ bị pha trộn cần tỉnh táo để mua hàng đúng chuẩn

author 11:35 25/08/2022

(VietQ.vn) - Bột tam thất bắc là dược liệu quý để bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị được nhiều bệnh, vì giá trị sử dụng cao nên sản phẩm này thường bị pha trộn, làm giả.

Bột tam thất bắc rất dễ bị pha trộn

Theo thông tin từ Viện An toàn thực phẩm (Hà Nội), củ tam thất bắc còn được ví như “Kim bất hoán” tức là vàng cũng không đổi được. Củ tam thất bắc thường được khai thác, sấy khô, nghiền thành bột để sử dụng như một thảo dược. Do giá trị y học cao nên bột tam thất dễ bị trộn lẫn với nhiều loại bột tam thất khác có giá trị thương mại và y học thấp.

Tam thất bắc thuộc chi sâm trong họ Ngũ gia bì. Củ tam thất bắc là dược thảo để phòng trị nhiều loại bệnh ở người, bao gồm cả những bệnh nan y.

Trong củ tam thất có chứa các hợp chất saponin thuộc nhóm ginsenoside như Rc, Rd, Re, Rb1 và Rg1... Sau khi thu hoạch củ tam thất bắc chủ yếu được sấy khô bán nguyên củ hoặc xay thành bột và sử dụng theo một số bài thuốc cổ truyền để phòng trị các bệnh ung thư, đông máu, tiểu đường…

Bột tam thất bắc rất dễ bị pha trộn nên cảnh giác khi mua và dùng. Ảnh minh họa 

Mỗi năm hàng trăm tấn củ và bột tam thất bắc được sản xuất và xuất khẩu từ các tỉnh phía nam Trung Quốc sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên theo một số nhà chế biến và kinh doanh tam thất bắc, do giá trị y học và thương mại cao, bột từ củ tam thất bắc đang bị trộn lẫn với bột của một số loài tam thất khác như tam thất khương thuộc chi Stahlianthus để giảm giá thành và thu lợi nhuận cao.

Nhiều loài tam thất khương cũng đang được trồng với diện tích lớn để thu hoạch củ, sơ chế thành bột và thương mại ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam, phía nam của Trung Quốc, phía bắc Lào, phía bắc Thái Lan… Củ của nhiều loài tam thất khương cũng là dược thảo nhưng không chứa một số chất trong hợp chất saponin như tam thất bắc nên giá trị thương mại thấp. Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được bột tam thất bắc bị pha trộn với bột tam thất khương.

Kết quả xác thực bằng chỉ thị phân tử gần đây cho thấy trong 11 lọ bột tam thất nhập ngoại, chỉ có 7 mẫu là tam thất bắc không bị trộn, trong khi 4 mẫu bị trộn với bột tam thất khương. Kết quả nghiên cứu nhằm khuyến cáo người tiêu dùng hãy thận trọng với sản phẩm tam thất bắc trong nước cũng như nhập khẩu bị gian lận thương mại trên thị trường. Bởi thực tế việc sử dụng phải bột tam thất bắc giả mạo, pha trộn sẽ nguy hiểm tới sức khỏe người dùng. 

Tam thất bắc không độc, nhưng nếu vị thuốc này khi tán thành dạng bột không được vệ sinh sạch sẽ trước khi tán, rất có thể các tạp chất có chứa các alcaloid pyrrolidine trong đất bám bên ngoài củ tam thất, có thể gây tổn thương tế bào nội mô ở các xoang gan và tĩnh mạch gan. Tắc nghẽn các tĩnh mạch gan gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Do đó để phân biệt bột tam thất có pha trộn nay không người dùng cần lưu ý rằng, bột tam thất thường có màu nâu nhạt hoặc nâu xanh, khi nếm có vị ngọt và hơi đắng. Bột giả tam thất giả thường không có vị trên.

Khuyến cáo khi dùng tam thất bắc

Mặc dù củ tam thất bắc là một loại thuốc tốt, nhưng nếu nó được sử dụng không đúng cách, nó vẫn có khả năng gây ra phản ứng bất lợi cho sức khỏe. Không phải ai cũng có thể tự ý sử dụng theo ý muốn.

Theo các bác sĩ tại Đại học Y Dược Hà Nội, tam thất bắc có vị đắng, ngọt và tính hơi ôn. Đối với những người bình thường và sử dụng để chữa u nếu cơ địa hoàn toàn bình thường không quá nóng và không quá lạnh thì có thể dùng tam thất thường xuyên. Tuy nhiên đối với những người quá nóng thì có tác dụng bất lợi là nếu uống trong thời gian dài có thể gây ra phản ứng mẫn cảm gây ngứa, mụn nhọt hoặc dị ứng... trong trường hợp này dùng tam thất tùy theo cơ địa.

Mặc dù tam thất bắc có nhiều công dụng, tuy nhiên những trường hợp sau không nên sử dụng tâm thất: Phụ nữ có thai, những người khi đang chảy máu, thận trong khi cho trẻ em sử dụng, khi bị tiêu chảy, có nguy cơ gây tử vong.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo cho dù dùng bột tam thất bắc hay sử dụng củ tam thất để điều trị nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ lâm sàng, không dùng quá mức.

Liều dùng: Dược điển Trung Hoa (năm 2015) nêu rõ rằng liều lượng dùng củ tam thất bắc là 3 ~ 9 gram/ngày, 1 ~ 3 gram mỗi lần (Tuyệt đối không dùng quá 9 gram mỗi ngày).

THÔNG TƯ 13/2018/TT-BYT- Quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền

Thông tư này quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền; nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu, thuốc cổ truyền; kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong sản xuất, nuôi trồng, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh), lưu hành, sử dụng tại Việt Nam và dược liệu, thuốc cổ truyền cần (bốc) theo bài thuốc, đơn thuốc, bào chế, chế biến trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thủ tục thu hồi, xử lý thuốc cổ truyền vi phạm.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là đơn vị) có liên quan đến hoạt động quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền tại Việt Nam.

Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh bán thành phẩm dược liệu và thuốc dược liệu; cá nhân nuôi trồng, thu hái dược liệu và cá nhân khai thác dược liệu tự nhiên.

Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền

Dược liệu, thuốc cổ truyền phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở của cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi là cơ sở sản xuất).

Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kim nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kim nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GLP).

Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định về đăng ký dược liệu, thuốc cổ truyền, quy định về cấp phép nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành.

Yêu cầu quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong quá trình kinh doanh, lưu hành và sử dụng

Áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trong suốt quá trình kinh doanh, lưu hành và sử dụng phù hợp với phạm vi kinh doanh của cơ sở.

Dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc cổ truyền, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc cổ truyền trước khi đưa vào sản xuất thuốc cổ truyền phải được cơ sở sản xuất tiến hành kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Thuốc cổ truyền, dược liệu trước khi xuất xưởng phải được cơ sở sản xuất tiến hành kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Người đứng đầu và người phụ trách chuyên môn của cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ; người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng và kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền tại cơ sở.

Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền có trách nhiệm tổ chức và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, nguyên liệu sản xuất thuốc cổ truyền tại cơ sở.

Cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền phải tổ chức công tác kiểm tra, kiểm nghiệm xác định, đánh giá được chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, nguyên liệu làm thuốc cổ truyền trong suốt quá trình sản xuất, xuất xưởng, đưa ra lưu hành, sử dụng.

Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải lưu giữ các tài liệu, thông tin liên quan đến mỗi lần mua bán, nhập khẩu, xuất xưởng, phân phối dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm theo dõi, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát được đường đi và điều kiện bảo quản của dược liệu, thuốc cổ truyền và nguyên liệu làm thuốc cổ truyền.

Cơ sở có trách nhiệm thực hiện các quy định khác của phát luật về dược nhằm bảo đảm, duy trì chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình kinh doanh, lưu hành và sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang