Ăn nhầm bột thông bồn cầu, nhiều trẻ nhập viện và khuyến cáo của chuyên gia

author 11:35 06/03/2019

(VietQ.vn) - Do nhầm lẫn bột thông bồn cầu là bột trà lipton Thái Lan, hơn 40 học sinh trường tiểu học Bắc An, TP Chí Linh, Hải Dương đã bị ngộ độc phải nhập viện.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, sau hai ngày điều trị tích cực, hơn 10 học sinh bị ngộ độc bột thông bồn cầu ở địa phương này đã xuất viện. Số còn lại đã ổn định sức khỏe nhưng cần theo dõi thêm.

Kể lại sự việc, các em cho hay, trong giờ ra chơi sáng 4/3, nam sinh lớp 5B tên Quyết lấy ra một túi nylon màu đỏ treo trên xe máy của cô giáo Cao Thị Hà dựng trong sân trường, bì túi ghi chữ nước ngoài. Xé bỏ vỏ túi, Quyết gọi các bạn đến, chia cho mỗi người một ít, bảo "đây là trà lipton Thái Lan".

Nhóm bạn của Quyết mang bột về lớp chia cho các bạn và các em khối 1, 2, mỗi người một ít, bảo là "trà sữa" và "cốm canxi".

Theo một học sinh mô tả: "Đó là thứ bột màu trắng, hạt to như hạt đường có vị cay và chua. Khi cháu cho vào miệng thấy kinh đã vội nhổ ra ngoài. Một lúc sau, miệng và lưỡi đau rát”.

Hậu quả, 44 em học sinh lớp 5A và 5B bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, miệng rát, phải đi cấp cứu, trong đó 32 em chuyển tuyến trên. Lớp 5B có 24 bạn thì 16 bạn ăn bột đều phải đi viện.

 Nhiều học sinh bị ngộ độc do ăn nhầm bột bồn cầu là trà lipton

 Nhiều học sinh bị ngộ độc do ăn nhầm bột thông bồn cầu là trà lipton

Trong bản tường trình, cô giáo Hà cho biết, số bột thông bồn cầu cô mua vào đầu giờ sáng, chưa kịp mang về nhà nên treo ở xe máy, "không ngờ học sinh tinh nghịch tưởng là thứ ăn được đã bóc ra chia nhau.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương thông báo, phần lớn học sinh đã bình phục, vào sáng 6/3 có thể xuất viện. Riêng hai cháu phải điều trị thêm vì đã nuốt hóa chất vào bụng dẫn đến loét thực quản và dạ dày.

Trên thực tế, việc trẻ nhỏ ăn nhầm các loại hóa chất độc hại không phải là hiếm. Nguyên nhân là do trẻ còn nhỏ, chưa ý thức và phân biệt được các loại hóa chất nên dẫn đến nhiều sự việc đau lòng.

Vào năm ngoái, việc học sinh ăn nhầm bột thông bồn cầu cũng đã xảy ra tại Trường mầm non xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An). Một cô giáo sau khi nhận hai gói bột thông tắc bồn cầu từ kế toán nhà trường để xử lý do bận vệ sinh cho một học sinh đã bỏ tạm vào tủ đựng đồ dùng trong lớp học mà không khóa. Em học sinh trong lớp đã mở tủ lấy một gói bột ra chia cho các bạn khác. Hậu quả, 3 em nhỏ đã bị ngộ độc. Dù không nguy kịch tính mạng nhưng các em bị bỏng thực quản, nguy cơ hình thành sẹo dẫn tới hẹp thực quản.

Theo PGS.TS Trần Hồng Công – Khoa hóa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) bột thông cống, bồn cầu có chứa nhiều hóa chất tẩy rửa mạnh. Thành phần hóa học chính là Sodium Hydroxite, Potassium Hydroxite, Acid Sunfuric… có chứa chất kiềm nên có thể ăn mòn rất nhanh để phân hủy các chất thải như cặn bã thức ăn, rác…

Cũng vì tính chất hóa học mạnh nên khi dùng phải cẩn thận, tránh bị bột dính vào da có thể gây bỏng. Khi tác động lên cơ thể người, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong. Nếu ăn phải bột thông cống càng nguy hiểm hơn. Ăn phải lượng lớn axit hoặc kiềm mạnh có thể dẫn đến tổn thương lâu dài ở miệng, thực quản và dạ dày. Mức độ nặng hay nhẹ sẽ tùy vào nồng độ, liều lượng và thời gian mà trẻ nuốt phải.

Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, cấp bách chống dịch(VietQ.vn) - Dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra 7 tỉnh thành ở phía Bắc và vẫn có nguy cơ lây lan rất cao ra nhiều tỉnh thành khác nữa.

Các chuyên gia hóa học cho rằng, hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với acid sunfuric đều sẽ dễ bị tổn hại và để lại di chứng nặng nề. Chúng có thể gây tổn thương cho mô, mắt, miệng và đường hô hấp, tiếp xúc ngoài da có thể gây bỏng. Thậm chí hít phải hơi acid sunfuric cũng gây kích thích đường hô hấp với biểu hiện ho, nghẹt thở…

Trẻ con vốn hiếu động, thích khám phá nhưng chưa ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra xung quanh nên người lớn từ gia đình đến nhà trường cần có sự trông nom cẩn thận đối với các bé.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp trẻ nhỡ ăn, uống nhầm hóa chất cần hết sức bình tĩnh vì từng loại hóa chất sẽ gây nên biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.

Với những trường hợp do các chất có tính kiềm cao ăn mòn như bột thông cống cần tránh sai lầm trong việc lập tức móc họng gây nôn hay vội vàng hô hấp cho con. Việc kích thích nôn làm trẻ ho nhiều hơn khiến hóa chất tràn vào khí quản. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng để giảm kích thích niêm mạc, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Tuyệt đối không cho uống giấm hay nước chanh sẽ khiến tình trạng nặng thêm.

Cũng theo các chuyên gia, những nguy cơ cho trẻ kể trên hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn chú ý. Do đo, bố mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Các hóa chất gây nguy hiểm cần được đặt xa tầm tay trẻ em, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.

Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống để tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.

Các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc khi vui chơi.

Với những trẻ lớn hơn, đã biết đọc chữ, cần dạy trẻ về những loại hóa chất độc hại. Dạy trẻ cách nhận diện và phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang