Buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá, đường cát vẫn phức tạp trên các tuyến

author 05:59 19/10/2023

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong 8 tháng năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 3.460 vụ vi phạm về thuốc lá, đường cát.

Xử lý 3.460 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng thuốc lá, đường cát

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong những năm qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hai mặt hàng thuốc lá và đường cát nói riêng luôn được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia quan tâm chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng tích cực thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi, sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Lượng lớn đường cát nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: VnExpress

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 8 tháng năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát diễn ra ở hầu hết các tuyến, địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố. Hoạt động vi phạm nêu trên đã gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất thuốc lá, đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Kết quả, trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Trong đó, đối với mặt hàng thuốc lá đã kiểm tra, phát hiện 2.799 vụ việc vi phạm; tịch thu 3.099.309 bao thuốc lá điếu, 31.690 sản phẩm thuốc lá điện tử, 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá, tổng giá trị tang vật 97.690.000 đồng; tiêu hủy 159.697 bao thuốc lá điếu, 2.513 sản phẩm thuốc lá điện tử; xử phạt vi phạm hành chính 2.365 vụ, 510 đối tượng, tổng số tiền phạt là 20.062.000.000 đồng; xử lý hình sự 174 vụ, 189 bị can.

Về mặt hàng đường cát, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng; tịch thu 684.492 kg đường cát, tổng giá trị tang vật 50.988.000.000 đồng; tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng, tổng số tiền phạt là 900.755.000 đồng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. 

Phương thức và thủ đoạn tinh vi- thực trạng đáng lo ngại từ buôn lậu thuốc lá, đường cát

Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nêu một thực trạng đáng lo ngại khác là thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng được làm giả từ Campuchia và đưa về VIệt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, sức khỏe người tiêu dùng và thất thu thuế. Bên cạnh thuốc lá điếu truyền thống, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng,…) mặc dù chưa có khung pháp luật quản lý nhưng đã và đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau (xách tay, tiểu ngạch, nhập lậu,…), được bán tràn lan và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Các sản phẩm này không những gây thất thu ngân sách mà hoàn toàn không được kiểm soát về thành phần, chất lượng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn của người sử dụng.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, một số sơ hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thương mại như sau: Không thống nhất phương thức xử lý đường nhập lậu bị tịch thu: Tất cả đường nhập lậu gần đây đều là đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ. Phương thức xử lý đối với đường nhập lậu bị tịch thu hiện không thống nhất giữa các địa phương: Một số địa phương tổ chức tiêu hủy, một số địa phương lại tổ chức bán đấu giá để bổ sung công quỹ và hợp pháp hóa đưa đường lậu ra thị trường. Trong khi Hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị cấm (quy định tại khoản i mục 5 điều 5 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12); Mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ có thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy (quy định tại mục 3 điều 55 Luật An toàn thực phẩm).

Để hạn chế tình trạng trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát.

Chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản; nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Các lực lượng, đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… thường xuyên trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát.... Tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang