Buôn lậu xăng dầu tại biên giới, vùng biển phức tạp cần biện pháp đồng bộ

author 12:19 26/11/2021

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Kinh doanh xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều phức tạp

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trước tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu ở trong nước còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường đơn vị này vừa ban hành văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, nhất là từ năm 2020 đến nay, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu, than. Không ngừng chủ động nắm tình hình, phối hợp đấu tranh, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng giả, kém chất lượng trên các địa bàn trọng điểm, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.

 Tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển gia tăng. Ảnh: Đăng Bảy/Biên Phòng

Điều này đã góp phần ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu, than trên phạm vi cả nước, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, theo nhận định trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Do tác động từ bên ngoài, ở trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. Các đối tượng sẽ lợi dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu, than để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển, gây thất thu ngân sách nhà nước, mất an ninh năng lượng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.

Cụ thểm, để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: cải hoán tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu là khai thác thủy sản để che đậy việc mua bán xăng dầu trái phép... Nhiều đối tượng còn sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động buôn lậu, như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng hòng nhanh chóng tẩu thoát. Hay việc mua bán xăng dầu trên biển đều thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" để liên lạc. Do vậy, nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc vận chuyển và giao nhận xăng dầu lậu chủ yếu diễn ra vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật để tập kết, sang mạn, vận chuyển hàng lậu...

Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu

Do đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển trong thời gian tới, tại Công văn số 20/BCĐ389-VPTT ngày 25/11/ 2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung, biện pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển (Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Công văn số 03/BCĐ389-VPTT ngày 8/2/2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu; Công văn số 24/BCĐ389-VPTT ngày 18 /12/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản).

Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than, nhất là các quy định về công tác quản lý, chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.

Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu, than diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý, phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng xăng dầu, than.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì và phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang