Buôn lậu vàng làm 'nóng' vùng biên với nhiều thủ đoạn phức tạp

author 16:58 24/11/2021

(VietQ.vn) - Càng về cuối năm tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến cho công tác ngăn chặn khó khăn.

Gia tăng các vụ buôn lậu vàng qua các tỉnh

Theo ghi nhận của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, có thể thấy, sau một thời gian im ắng thì vàng lậu lại nóng trở lại, đặc biệt ở biên giới Tây Nam. Cụ thể, gần đây, liên tục các vụ việc buôn lậu vàng qua biên giới với những thủ đoạn tinh vi đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.  

Mới đây tại cảng Nam Hải Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cửa khẩu cảng Hải Phòng phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1969, tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), thuyền viên tàu Biển Đông MARINER hành trình từ cảng Hồng Kông, Trung Quốc về cảng Hải Phòng và Nguyễn Hào Nam (sinh năm 1982, trú tại phường Đồng Hòa, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) về hành vi giao nhận 2 túi vải, bên trong có chứa 1.760 viên kim cương, 481 dây chuyền, hoa tai, nhẫn, vòng đeo tay các loại bằng vàng 18K.

 Gia tăng tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Ảnh minh họa

Bước đầu, các đối tượng khai nhận, số hàng trên được Nguyễn Văn Thủy vận chuyển từ Hồng Kông về cảng Nam Hải Đình Vũ giao cho Nguyễn Hào Nam để vận chuyển đi tiêu thụ. Vụ việc đã được BĐBP thành phố Hải Phòng khởi tố vụ án hình sự, phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Kon Tum, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã chủ trì bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép vàng qua biên giới. Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện có 2 gói ni lông màu đen được quấn băng keo được cất trên táp lô xe và 1 túi ni lông màu đen để tại vị trí để chân trước ghế phụ xe có dấu hiệu cất giấu hàng hóa. 2 gói ni lông trên táp lô xe chứa vàng nguyên liệu được bà Vui mua tại khu vực Mường Cầu, tỉnh Attapư (Lào) vận chuyển về Việt Nam để làm vốn kinh doanh. Khi mua số vàng này, do chưa xác định được tuổi, trọng lượng vàng nên bà Vui đặt cọc 100 triệu kíp Lào và mang vàng về Việt Nam xác định độ tuổi, cân số lượng rồi sẽ quay lại Mường Cầu để thống nhất giá cả mua bán cụ thể sau.

Được biết, vào đầu tháng 8/2021, lực lượng biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y cũng đã bắt giữ một người đàn ông về hành vi vận chuyển 1,7 kg vàng từ Lào về Việt Nam. Người này khai nhận vận chuyển số vàng này cho một phụ nữ từ huyện Mường Cầu về Việt Nam để giao cho một người ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) với tiền công là 200.000 kíp Lào.

Tình trạng buôn lậu vàng nóng nhất là ở biên giới Tây Nam, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Tịnh Biên đã phối hợp phát hiện, bắt giữ Huỳnh Thị Nguyên, sinh năm 1983, trú tại Thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang cất giấu trong túi nylon 5 miếng kim loại màu vàng (mỗi miếng 1 kg) nghi vấn là vàng. Số kim loại này được để lẫn lộn với một số vật dụng cá nhân, treo trên xe gắn máy. Đối tượng đã lợi dụng là cư dân biên giới đi từ Việt Nam bằng xe gắn máy lên khu vực cột mốc cửa khẩu nhận túi hàng chứa số kim loại ghi là vàng nêu trên từ một người Campuchia vận chuyển vào nội địa thì bị bắt giữ.

Gần đây nhất, tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, lực lượng chức năng đã triển khai mật phục, bắt giữ 1 đối tượng khi đang điều khiển xe mô tô (không có biển kiểm soát) vận chuyển 2 túi xách, bên trong chứa các sản phẩm trang sức kim loại màu vàng (nghi là vàng) từ nội địa Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang sang Campuchia.

Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Văn Nghiệp với tang vật thu giữ, là 2,2 kg các sản phẩm kim loại vàng. Bước đầu, Nguyễn Văn Nghiệp khai nhận số vàng trên do Phạm Hải Đường (sinh ngày 29/02/1978, thường trú tại Ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thuê Nguyễn Văn Nghiệp vận chuyển từ Việt Nam qua biên giới sang Campuchia để giao cho 1 phụ nữ (không rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại). Sau khi mời làm việc với cơ quan chức năng, Phạm Hải Đường khai nhận: Trước đó, Phạm Hải Đường được 1 đối tượng (trú tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thuê vận chuyển số vàng nêu trên qua biên giới sang Campuchia tiêu thụ.

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh An Giang đã bắt hàng chục đối tượng liên quan đến vị buôn lậu 51kg vàng 9999 do đối tượng Huỳnh Thị Kim Hạnh cầm đầu. Theo cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu vàng đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Thủ đoạn buôn lậu vàng tinh vi

Nguyên nhân chính là do giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Mặt khác, vàng là loại hàng hóa có giá trị cao, lại dễ cất giấu và dễ dàng vận chuyển nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng qua biên giới.

Hoạt động buôn lậu vàng thường được các đối tượng tổ chức thành đường dây chặt chẽ, các đối tượng ở Campuchia kết nối với các đối tượng ở khu vực biên giới và trong nội địa để vận chuyển thông qua các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản... và lợi dụng việc đổi tài xế khi qua cửa khẩu để tổ chức mua bán trái phép vàng.

Bên cạnh đó, một số đối tượng còn ngụy trang cất giấu vàng trong hành lý, hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển hành khách, rồi lợi dụng đêm tối và địa hình sông ngòi, kênh rạch, đường mòn, lối mở để đưa qua biên giới.

Hoạt động buôn lậu vàng trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp, đâu là giải pháp ngăn chặn?

Hiện nay, giá vàng trong nước và trên thế giới vẫn chênh lệch lớn, trong khi đó mặt hàng vàng lại rất nhỏ gọn, dễ vận chuyển. Lợi nhuận thu được từ buôn lậu vàng rất cao, nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới về Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực triệt phá một số đường dây, song đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi nguyên nhân của tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Các đối tượng xuất lậu vàng nguyên liệu có thể kiếm lời từ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Khi giá vàng ở nước ngoài thấp hơn giá vàng ở Việt Nam thì xuất hiện tình trạng vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Ngược lại, khi giá nước ngoài cao hơn giá trong nước thì lại xảy ra việc vận chuyển trái phép vàng từ trong nước ra nước ngoài.

Trong khi giá vàng liên tục mất giá trên thị trường thế giới vào Quý I/2021, xu hướng giá vàng trong nước lại được giữ ổn định, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới liên tục tăng lên. Mức chênh lệch đạt mức cao nhất 8,2 triệu đồng/lượng vào 8/3/2021. Cho đến thời điểm này, dù mức chênh lệch giá có giảm chút ít, quay quanh mốc 7 triệu đồng/lượng, song so với tính toán của các chuyên gia là mức chênh vào khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý, thì rõ ràng giá vàng trong nước đang một mình một chợ, bất chấp đà tăng giảm của thị trường thế giới.

Giá vàng trong nước liên tục chênh lệch cao so với giá vàng trên thế giới do nguồn cung trở nên khan hiếm sau khi chính phủ siết chặt quản lý đường biên để ngăn chặn dịch COVID-19, trong khi nhu cầu mua vàng vẫn tăng như một tài sản lưu giữ giá trị. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng trước đây một phần lớn nhu cầu vàng trong nước tăng vẫn thường được đáp ứng thông qua các kênh nhập vàng phi chính thức.

Được biết, theo quy định của pháp luật, để có đủ điều kiện nhập khẩu vàng cần phải thỏa mãn các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN cấp. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Có vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông tin trên thị trường trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Như vậy, điều kiện để nhập khẩu vàng rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể nhập khẩu vàng bởi mặt hàng này có tác động khá lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia. Các đối tượng buôn lậu vàng bởi vàng là mặt hàng kim loại quý dễ vận chuyển, có tính thanh khoản cao, mang lại lợi nhuận lớn bởi họ sẽ trốn được các loại thuế của nhà nước.

Từ những nguyên nhân kể trên, để giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng thì cần có những giải pháp tổng thể về chính sách và điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng vàng. Và hơn hết, cần có chế tài pháp lý đủ mạnh để xử lý tội buôn lậu mặt hàng này.

Do đó, theo kiến nghị của các chuyên gia, ngân hàng nhà nước nên cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang. Bởi hiện chúng ta có nguồn ngoại tệ dồi dào do xuất siêu và dự trữ ngoại hối cũng ở mức khoảng 100 tỷ USD. Do đó, Việt Nam hoàn toàn đủ nguồn lực để nhập khẩu vàng nguyên liệu, qua đó thu hẹp mức chênh lệch với giá thế giới.

Thêm vào đó, việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu. Bởi trình độ tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam được đánh giá rất cao so với các nước khác. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam đã bỏ mặc thị trường này cho các nước khác khai thác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, thậm chí nhiều nước còn thu hút thợ kim hoàn của Việt Nam sang làm việc và xuất khẩu mỗi năm hàng chục triệu USD mặt hàng nữ trang.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang