Phát triển nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn chất lượng quốc tế

author 15:25 29/12/2023

(VietQ.vn) - Tôm là một trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản của cả nước. Do đó, các địa phương sản xuất hàng mũi nhọn này hướng phát triển các vùng nuôi tôm sinh thái đạt các chứng nhận quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm.

Theo Cục Thủy sản, tôm nuôi của Việt Nam được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với những thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu (thứ hai thế giới), chiếm từ 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm nước ta đóng góp 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, việc nuôi tôm nước lợ ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động được, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao. 

Trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 53.500ha, vượt gần 5% so với kế hoạch, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 40.000ha, tôm sú 13.440ha; diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% tổng diện tích nuôi; diện tích nuôi tôm ao lót bạt 7.741ha, tăng 36% so cùng kỳ.

Tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại được khống chế ở mức dưới 4,7%, xấp xỉ so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nuôi tính đến cuối năm ước đạt trên 206.300 tấn, tăng gần 7,5% so cùng kỳ năm trước. Trong năm, tôm nguyên liệu luôn biến động lớn về giá, 4 tháng đầu năm giá tôm cao hơn cùng kỳ từ 17.000 - 47.000 đồng/kg và các tháng sau đó giá tôm giảm liên tục, chỉ còn 166.000 đồng/kg (tôm size 20 con/kg).

Theo bà Quách Thị Thanh Bình Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin, kế hoạch nuôi tôm nước lợ trong năm 2024 của tỉnh là 50.320ha, sản lượng 215.000 tấn. Để đạt được kế hoạch trên, địa phương sẽ phát huy vai trò của các tổ, nhóm sản xuất, tập trung hợp tác thành lập các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Phát triển các vùng nuôi tôm sinh thái đạt các chứng nhận quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm. Ảnh minh họa 

Nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu sản phẩm tôm, tại Cà Mau – nơi được mệnh danh là ‘‘thủ phủ tôm’’ của cả nước cũng đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao hiệu quả ngành tôm của tỉnh.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; gia tăng diện tích, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Cà Mau. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi đạt năng suất cao theo quy trình, kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn và 3 giai đoạn; chú trọng phát triển các mô hình nuôi tôm đạt các chứng nhận của quốc tế như: GlobalGAP, Naturland, BAP, EU, ASC, Selva Shrimp, VietGAP...

Thấy được hiệu quả của mô hình tôm - rừng, địa phương không ngừng duy trì mở rộng về diện tích, số hộ nuôi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường dưới tán rừng. Ý thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Nhằm hưởng ứng việc nâng cao năng suất, chất lượng vùng nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế từ hai địa phương trên, hiện nay, tỉnh Bạc Liêu cũng không ngừng đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng. Hiện dự án được được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đi liền với triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Hiện nay tỉnh đã chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ NNPTNT, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận (ngành nông nghiệp đang thẩm định hồ sơ) và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Lê Tấn Cận cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trong đó, Bạc Liêu tập trung triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước", đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông,...) phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm… Đồng thời triển khai công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường.

Tiêu chuẩn chứng nhận nuôi thuỷ sản phổ biến hiện nay

Các tiêu chuẩn chứng nhận nuôi thuỷ sản tôm cá xuất khẩu quan trọng được áp dụng phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản hiện nay là ASC, BAP và GlobalGAP.

Chứng nhận ASC

Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) được thành lập vào năm 2010 bởi Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF - World Wildlife Fund) và Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH - Dutch Sustainable Trade Initiative) để cung cấp một chương trình chứng nhận hàng đầu thế giới về ngành nuôi trồng thủy sản. Tiêu chuẩn ASC bao gồm nhiều quy trình nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu và xem xét cả khía cạnh môi trường và xã hội của nông trường để đảm bảo quá trình sản xuất có trách nhiệm.

Chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng ASC sẽ cho phép các đơn vị nuôi trồng thủy sản thể hiện được trách nhiệm với môi trường, xã hội đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản đến từ họ. Hiện tại, chỉ tiêu chuẩn của ASC gồm có 15 loài như: Tôm, cá hồi, cá rô phi, cá hồi chấm, bộ cá da trơn cùng một tiêu chuẩn ASC – MSC chung đối với rong biển. Nếu muốn đạt được nhãn sinh thái của ASC, trang trại nuôi trồng thủy sản cần chủ động giảm thiểu những tác động đến môi trường, bảo vệ sức khỏe của tôm cá, có sự tôn trọng cộng đồng xung quanh cũng như hoạt động có trách nhiệm với xã hội theo các tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt.

Chứng nhận của BAP

BAP là tiêu chuẩn chứng nhận nuôi thuỷ sản tôm cá xuất khẩu được phát triển từ Liên minh Nuôi trồng Thủy sản trên Toàn cầu (GAA), nhằm giải quyết trách nhiệm về môi trường, xã hội, phúc lợi của động vật, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Hiện BAP đã có toàn bộ chuỗi sản xuất, từ trang trại, nhà máy chế biến cho đến trại sản xuất giống, nhà máy thức ăn trong chăn nuôi và được công nhận bởi Sáng kiến về an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI).

Tiêu chuẩn GlobalGAP

GlobalGAP là một tổ chức tư nhân thiết lập các tiêu chuẩn một cách tự nguyện cho việc chứng nhận quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi) trên cả toàn cầu. Tiền thân tiêu chuẩn GlobalGAP đó là EurepGAP, thành lập vào năm 2000 từ các hệ thống siêu thị cùng với những nhà cung cấp lớn tại châu Âu. Cho đến tháng 9/2007 đã đổi tên thành GlobalGAP nhằm mục đích mở rộng, nâng tầm quốc tế.

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP được xem như một quyển sổ tay hướng dẫn về cách thực hành Nông nghiệp tốt (GAP), được thiết kế với mục đích cam đoan với người tiêu dùng về tính an toàn thực phẩm, giảm thiểu đi sự tác động đến môi trường từ các hoạt động nông trại, hướng dẫn về an sinh động vật, duy trì nguyên tắc trách nhiệm đối với sức khỏe cũng như sự an toàn của người lao động.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang