v

Cà Mau phát hiện và tạm giữ 700 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 14:00 22/02/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại TP. Cà Mau đã phát hiện và tạm giữ 700 sản phẩm là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 21/2/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau qua công tác quản lý, giám sát tình hình kinh doanh trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh mĩ phẩm D do bà Đ.T.D làm chủ tại địa chỉ Xóm Lung, xã Bình Định, TP. Cà Mau. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện cơ sở này đang kinh doanh mỹ phẩm không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ sản phẩm không rõ xuất xứ

Tại nơi kinh doanh của bà Đ.T.D đang kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm (kem bôi da), không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với hàng hóa là mỹ phẩm, trên bao bì hàng hóa không có nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa. Tổng số lượng hàng hóa vi phạm là: 700 sản phẩm. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên sản phẩm là: 44.000.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị tạm giữ

Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng cũng nhận định, sở dĩ có tình trạng mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm kém chất lượng được bán tràn lan là do các đối tượng nắm bắt được nhu cầu sử dụng làm đẹp đang có xu hướng gia tăng của người dân. Đáng quan ngại, trong những mỹ phẩm trôi nổi thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng và làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên dễ dãi giao phó sắc đẹp và sức khoẻ của bản thân cho những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo độ an toàn.

Việc sử dụng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Còn về vấn đề nhãn mác bao bì, theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, sản xuất mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu trên bao bì phải có tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cụ thể như: số lô, số công bố, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, định lượng.

Khánh Mai (t/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang