Cà phê Việt hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc trước quy định chống phá rừng của EU

author 19:01 11/03/2025

(VietQ.vn) - Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc với cà phê và các sản phẩm nông lâm khác. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chạy đua để kịp thích ứng với tỉ trường tỷ đô.

Doanh nghiệp nguy cơ loại khỏi thị trường EU nếu không đạt yêu cầu

Từ ngày 30 tháng 12 năm 2024, EU áp dụng EUDR, yêu cầu cà phê, cao su, gỗ, ca cao… xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc, không liên quan đến phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020. Doanh nghiệp vi phạm bị phạt tới đa 4% doanh thu và bị loại khỏi thị trường EU.

EU sau đó quyết định gia hạn thực thi EUDR thêm 12 tháng, lùi mốc áp dụng với doanh nghiệp lớn sang ngày 30 tháng 12 năm 2025 và doanh nghiệp nhỏ sang ngày 30 tháng 6 năm 2026. Sau thời điểm này, nếu doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cao su, gỗ… không đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ bị loại khỏi thị trường này.

Cà phê không đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ bị loại khỏi thị trường EU. Ảnh minh họa

Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của EUDR, Việt Nam có ba nhóm hàng bị tác động chính, gồm gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu vào EU, tương đương hơn 1,1 tỷ USD, tiếp đến là gỗ (636 triệu USD) và cao su (252 triệu USD). Trước những yêu cầu khắt khe của EUDR, ngành cà phê Việt Nam đang gấp rút triển khai các biện pháp để đảm bảo đáp ứng quy định mới.

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn. EUDR yêu cầu cà phê xuất khẩu vào EU phải chứng minh không liên quan đến nạn phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020. Điều này buộc doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, giám sát sản xuất và giảm phát thải carbon.

Ông Thái Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 2-9 (Simexco Đắk Lắk), cho rằng việc đáp ứng EUDR khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phát thải carbon, gây áp lực lớn đến nguồn lực tài chính và nhân lực của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc

Trước yêu cầu cấp thiết của EUDR, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng tại bốn huyện gồm Krông Năng, Cư M'gar, Ea H'leo (Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng). Đến tháng 12-2024, 100% diện tích cà phê tại các địa phương này đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và rừng. Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết Bộ đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống dữ liệu để doanh nghiệp và nông dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EU.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng để đảm bảo đáp ứng quy định, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái canh vườn cà phê, áp dụng mô hình canh tác bền vững và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, phát triển cà phê đặc sản, hữu cơ và các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan cao cấp, viên nén, cold brew (cà phê lạnh) là hướng đi quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào thị trường EU.

Tại Gia Lai, ngay từ năm 2023, địa phương này đã chủ động rà soát chuỗi cung ứng, phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Các doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh đã có sự điều chỉnh chuỗi cung ứng, ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng nguyên liệu đạt chứng chỉ bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu. Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết: "Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động tìm hiểu và điều chỉnh hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của EUDR".

Từ thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, nhận định quy định chống phá rừng của EU không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường tại Bắc Âu. "Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm cà phê bền vững, minh bạch. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ EUDR tốt, đây có thể là lợi thế cạnh tranh quan trọng," bà Thúy cho biết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ EUDR, bà Thúy đưa ra các khuyến nghị quan trọng. Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo cà phê xuất khẩu không trồng trên đất rừng. Đồng thời, doanh nghiệp nên hợp tác với các hiệp hội nông dân, đầu tư vào công nghệ theo dõi chuỗi cung ứng để đảm bảo minh bạch và chính xác dữ liệu.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm tuân thủ EUDR. Việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế như Stockholm Coffee Festival hay Copenhagen Coffee Fair cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và đối tác chiến lược.

Việc tuân thủ EUDR có thể tốn kém, nhưng đây là bước đi cần thiết để doanh nghiệp duy trì xuất khẩu vào thị trường EU và củng cố uy tín với khách hàng quốc tế. Bắc Âu là khu vực chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần xem EUDR không chỉ là rào cản mà còn là cơ hội khẳng định trách nhiệm xã hội và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang