Cách làm các món ngon dịp tết Trung thu xưa

author 07:13 31/08/2014

(VietQ.vn) – Không có những chiếc bánh trung thu thơm ngon, hấp dẫn như hiện nay, vào mỗi dịp lễ tết trung thu xưa, các bà, các mẹ thường vào bếp và làm những món bánh tuy đơn giản nhưng mang hương vị thơm ngon, hấp dẫn và truyền thống như: bánh đa kê, kẹo lạc, bánh đúc, ...

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Bánh đa kê

Nguyên liệu:

-        100g kê

-        100g đậu xanh

-        50g đường cát trắng

-        50g dừa nạo sợi

-        1 ít nước vôi trong

-        1 nhúm muối nhỏ

-        Bánh đa đã nướng chín

 

Bánh đa kê dân dã, thơm ngon, hấp dẫn mà hết thảy trẻ con lẫn người lớn đều ưa thích trong dịp lễ tết trung thu xưa

Bánh đa kê dân dã, thơm ngon, hấp dẫn mà hết thảy trẻ con lẫn người lớn đều ưa thích trong dịp Tết trung thu xưa. Ảnh minh họa

Cách làm:

-        Đậu xanh ngâm nước nóng, đãi sạch vỏ.

-        Cho vào hấp hoặc thổi như thổi xôi cùng vài hạt muối.

-        Khi đậu chín lấy ra đánh hoặc giã nhuyễn, nắm thành những nắm tròn, đậu nắm luôn khi còn nóng sẽ dễ hơn

-        Đãi cho kê thật sạch sạn để có món bánh đa kê thật ngon. Sau đó, đem ngâm trong nước vôi trong pha loãng khoảng 2 giờ.

-        Cho kê vào nồi nấu cùng chút muối, thể tích nước gấp khoảng 3 lần thể tích kê. Chọn một chiếc nồi thật dày để nấu để khỏi bị bén nồi.

-        Đun đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa.

-        Cứ dăm phút lại khuấy đều để kê khỏi bị bén và khê nhé!

-        Tiếp tục nấu đến khi kê chín nhừ, miết hạt kê vào tay thấy nhuyễn ra cho đến khi cháo kê sẽ hơi đặc và sánh.

-        Chuẩn bị bánh đa, kê, đậu xanh và đường.

-        Đặt bánh đa lên đĩa rồi phết một lớp kê lên.

-        Tiếp theo là đến đậu xanh thái nhỏ

-        Cho đường vào, tùy khẩu vị nhé!

-        Thêm chút dừa nạo sợi lên trên ăn sẽ ngon hơn.

-        Thưởng thức ngay sau khi làm xong bạn để bánh đa giữ được độ giòn, còn kê thì man mát, đậu xanh bùi bùi, ngọt ngọt của đường và chút sừn sựt của dừa nạo sợi.

Kẹo lạc

Nguyên liệu:

-        300g lạc hạt (loại ngon)

-        60g vừng xát

-        180g đường (nên dùng đường trắng Biên Hòa hoặc đường Lam Sơn)

-        3 thìa canh nước (50ml)

-        Vài giọt cốt chanh

-        1 ống vani bột

-        3 thìa canh bột mỳ rang hoặc bột bánh dẻo

-        Khay rộng (để đổ kẹo).

 

Dưới ánh trăng đêm rằm, cả gia đình cùng nhâm nhi kẹo lạc, uống trà, nghe kể về Trung thu xưa, chắc chẳng còn gì hấp dẫn và hạnh phúc hơn

Cả gia đình cùng nhâm nhi kẹo lạc, uống trà, nghe kể về Tết Trung thu xưa, chắc chẳng còn gì hấp dẫn và hạnh phúc hơn. Ảnh minh họa

Cách làm:

-        Chuẩn bị sẵn khay đổ kẹo lạc, rắc một lớp mỏng bột mì để chống dính phía dưới.

-        Tiến hành rang chín lạc, sau đó xát vỏ. Không nên để lạc bị dập nát nhiều. Hạt vừng được mang rang chín.

-        Nước lọc để nguội và đường cho vào nồi đun vừa lửa cho tới khi đường tan chảy hết thì hạ lửa nhỏ. Nên dùng nồi gang, đế dày để chế nước đường. Khi chế nước đường có thể thái vài sợi gừng để tạo thêm mùi thơm cho nước đường và kẹo lạc sau này. Tiếp theo vắt vào vài giọt nước cốt chanh.

-        Tiếp tục đun lửa nhỏ, tới khi đường sánh lại, chuyển màu vàng đậm. Nhỏ đường vào bát nước lạnh, nếu đường vo tròn, cứng lại là đạt yêu cầu.

-        Nhanh tay cho lạc, vừng vào đảo đều.

-        Đổ kẹo ra khay, dùng vỏ chai cán mỏng (khoảng 1cm). Sau khi kẹo được cán mỏng, lấy dao khía kẹo thành các thanh kẹo nhỏ (không cắt đứt hẳn).

-        Chờ cho tới khi kẹo nguội hẳn, bẻ ra thành các thanh kẹo nhỏ để ăn hoặc cất kín, khi nào muốn có thể dùng.

Bánh đúc

Nguyên liệu: 

-        250g bột gạo tẻ

-        10g bột năng (không có cũng không sao)

-        2 thìa canh nước vôi trong

-        600ml nước

-        200g thịt nạc vai xay

-        2 củ hành khô

-        Mộc nhĩ khô, hành lá

-        Mắm, muối, gia vị vừa đủ.

 

Bát bánh đúc nóng hổi, mềm mịn ăn với nước chấm hơi mằn mặn, đậm đà và nhân thịt mộc nhĩ giòn, hành khô thơm làm ấm lòng người Việt trong dịp tết trung thu xưa.

Bát bánh đúc nóng hổi, mềm mịn ăn với nước chấm hơi mằn mặn, đậm đà và nhân thịt mộc nhĩ giòn, hành khô thơm làm ấm lòng người Việt trong dịp tết trung thu xưa. Ảnh minh họa

Cách làm:

-        Trộn bột gạo tẻ với bột năng, hòa tan với nước.

-        Trút nước vôi trong vào hỗn hợp trên rồi khuấy đều.

-        Hành khô bóc vỏ, thái mỏng.

-        Mộc nhĩ ngâm nở, thái sợi rồi bằm nhỏ.

-        Thịt nạc vai xay ướp gia vị khoảng 15 phút cho ngấm.

-        Làm nóng dầu ăn trên chảo, cho hành khô vào đảo, đến khi hành chín vàng thì vớt ra để riêng.

-        Dùng dầu ăn đã phi hành để xào nhân bằng cách cho thịt xay vào đảo.

-        Khi thịt chín tới thì cho mộc nhĩ vào đảo đều khoảng 5 phút. Cuối cùng, thêm chút hành lá xắt nhỏ vào.

-        Đặt nồi bột nước đã hòa tan lên bếp đun nhỏ lửa, thêm chút xíu muối, khuấy đều tay liên tục đến khi bột đặc lại.

-        Tiếp tục khuấy đến khi bột trong và róc nồi là bột đã chín.

-        Làm nước dùng bánh đúc thịt bằng cách pha 2 thìa canh đường hoa mai với 200ml nước nóng, 1 thìa canh nước mắm và 1 thìa cà phê dấm, đun nóng.

-        Khi ăn lấy bánh đúc nóng ra bát... thêm nhân thịt mộc nhĩ đã xào, vài cọng rau thơm, ít hành phi vàng, thêm chút nước mắm nhạt đã đun nóng.

Nguyễn Dung (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang