Cách phân biệt thuốc giả Cefuroxim 500mg và thuốc giả Cefixim 200
Cách phân biệt sách giáo khoa thật và giả
Phân biệt giữa Tiêu chuẩn quốc gia và Tiêu chuẩn cơ sở
Infographic: Phân biệt giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Chuyên gia chỉ cách phân biệt trầm hương thật và giả để tránh nhầm lẫn
Cách phân biệt thuốc giả Cefuroxim 500mg và thuốc giả Cefixim 200
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), gần đây xuất hiện thuốc giả Cefuroxim 500mg và Cefixim 200 trên thị trường, gây lo ngại về chất lượng thuốc đang lưu hành. Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, Sở Y tế tỉnh Long An đã phát đi công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, cơ sở buôn bán thuốc và người dân trên địa bàn tỉnh cảnh giác, đồng thời hướng dẫn cách nhận diện thuốc giả để tránh hậu quả đáng tiếc.
Theo đó, thuốc giả Cefuroxim 500mg không có phản ứng định tính của Cefuroxim. Thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: viên nén bao phim Cefuroxim 500mg; Số đăng ký: VD-31978-19; Số lô: 900124; Ngày sản xuất: 14/01/2024; Hạn sử dụng: 14/01/2027; Nhà sản xuất: Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương.
Nhận diện thuốc giả Cefuroxim 500mg: Ảnh: Sở Y tế Long An
Loại thuốc này có đặc điểm, viên thuốc không có lớp bao phim bóng, nếu dùng móng tay cào nhẹ sẽ có bột vụn, viên thuốc nhám, dễ sứt mẻ.
Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, với các đặc điểm nhận diện trên khác với thuốc thật như: viên thuốc có lớp bao phim bóng, nếu dùng móng tay cào nhẹ không có bột vụn, cạnh viên thuốc nhẵn, sắc nét. Ngoài ra, vỏ hộp thuốc thật và thuốc giả cũng có vài ký tự nhỏ khác nhau.
Đối với thuốc giả Cefixim 200 không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở, thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: viên nén bao phim Cefixim 200; Số GĐKLH: VD-28887-18; Số lô: 30201123; Ngày sản xuất: 20/11/2023; Hạn sử dụng: 20/11/2025; Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Có các đặc điểm, dấu hiệu như: lớp bao viên mỏng, cạnh viên dễ sứt mẻ, màu sắc các viên trong cùng 1 vỉ không đồng nhất, có lốm đốm nhỏ.
Trong khi đó, thuốc thật các viên đều màu, cạnh và mặt viên không sứt mẻ, vỏ hộp cũng chỉn chu hơn về ký tự, chữ viết…
Nhận diện thuốc giả Cefixim 200. Ảnh: Sở Y tế Long An
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Long An khuyến cáo các đơn vị chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.
Thuốc giả, hệ lụy thật
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng thuốc giả đang trở thành vấn nạn tại các quốc gia đang phát triển. Khoảng 11% số thuốc lưu hành ở các nước này là thuốc giả, và đây là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm do những bệnh như sốt rét hoặc viêm phổi. Một nghiên cứu trên 48.000 mẫu thuốc chữa bệnh cho thấy 65% thuốc giả là thuốc điều trị sốt rét và nhiễm trùng.
Tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả cũng đang gia tăng, gây lo ngại cho người dân. Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy trong năm 2021, hệ thống kiểm nghiệm đã phát hiện 338 mẫu thuốc không đạt chất lượng, trong đó có 20 mẫu nghi ngờ là thuốc giả.
Bác sĩ Cao Thị Hằng, từ Bệnh viện Đa khoa TTH (Hà Tĩnh), cho biết thuốc giả và thuốc kém chất lượng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho người sử dụng. Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, phản ứng dị ứng hoặc suy giảm chức năng tim, hạ huyết áp. Trong trường hợp nghiêm trọng, người dùng có thể bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị hoặc thực phẩm chức năng bị làm giả.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
Duy Trinh (t/h)