Cách sử dụng sữa chua để 'chữa lành' đường ruột hiệu quả, an toàn

authorVân Thảo 05:14 13/09/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, sữa chua là sản phẩm tuyệt vời cho sức khỏe con người, nhất là đối với đường ruột. Tuy nhiên việc sử dụng sữa chua để chữa lành đường ruột như thế nào cho hiệu quả thì cần lưu ý.

Sữa chua là một thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa. Khi cơ thể bị bệnh phải dùng kháng sinh, sữa chua sẽ hỗ trợ cho ‘bụng dạ’ yên ổn hơn. Thế nhưng dùng sữa chua vào thời điểm nào thì không phải ai cũng biết một cách chính xác.

Khi cơ thể bị bệnh cần phải uống kháng sinh, nhiều người đã phải đối phó với tình trạng hệ tiêu hóa “ọc ạch” do tác dụng phụ của loại thuốc này. Sự mất cân bằng ở đường ruột do quá trình uống kháng sinh dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Lúc này sữa chua là một trong những biện pháp “chữa lành” mà nhiều người thường áp dụng để đường ruột trở lại tình trạng bình thường. Tuy nhiên việc bổ sung sữa chua như thế nào để đảm bảo an toàn thì cần phải lưu ý.

TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) chia sẻ, trước tiên nên biết là sữa chua có vai trò giống như men vi sinh khi vào cơ thể. Sữa chua (yaourt) là sản phẩm lên men lactic từ sữa bò tươi, sữa bột hay sữa động vật nói chung sau khi đã khử chất béo và thanh trùng vi khuẩn gây bệnh ở nhiệt độ 80 - 90oC. Sữa chua được lên men bởi các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột như probiotics (Lactobacillus bulgaricus, Streptocoocus thermophilus).

Sử dụng sữa chua để chữa lành đường ruột cần lưu ý để có hiệu quả tốt hơn. Ảnh minh họa

Một số chủng vi khuẩn khác như Lactobacillus acidophilus và Bifido bacterium giúp tạo sự cân bằng và bồi bổ cho những vi khuẩn có lợi hiện hữu sẵn trong ruột. Các thành phần có trong sữa chua giúp giảm thiểu những vi khuẩn có hại cho đường ruột. Ngoài ra, sữa chua còn tự sản sinh ra loại kháng sinh riêng làm chậm quá trình phát triển của các vi khuẩn có hại.

Kháng sinh vào cơ thể con người sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Chính vì vậy khi dùng kháng sinh cơ thể bị mất đi một lượng lớn vi khuẩn có lợi, khiến sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột bị mất đi. Sau đó, các loại vi khuẩn có hại có điều kiện thuận lợi để phát triển và sinh sôi nhiều hơn. Để giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột cần bổ sung men vi sinh hoặc sữa chua.

Lưu ý, khi chưa kết thúc liều kháng sinh thì không dùng sữa chua, bởi đó là lúc kháng sinh đang tiêu diệt vi khuẩn. Trong khi đó sữa chua lại cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, cản trở quá trình diệt khuẩn. Cách bổ sung sữa chua chuẩn nhất là dùng ngay sau đợt uống kháng sinh.

Bệnh viện Medlatec cũng thông tin, sữa chua được xếp vào nhóm đồ ăn vặt nhưng mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe, nhất là những lợi ích đối với sức khỏe đường tiêu hóa. Ăn sữa chua giúp tiêu hóa nhanh và giúp giảm đầy bụng hiệu quả. Tuy nhiên, ăn sữa chua sai cách cũng có thể khiến cho tình trạng rối loạn tiêu hóa càng thêm nghiêm trọng.

Do đó chỉ nên ăn tối đa 2 hộp sữa chua mỗi ngày. Nên ăn sau khi kết thúc bữa ăn từ 1 đến 2 tiếng. Khi bụng đói không nên ăn sữa chua. Lý do là vì lúc này độ chua của dịch dạ dày sẽ rất cao và có thể tiêu diệt những lợi khuẩn có trong sữa chua. Để hạn chế nguy cơ này có thể ăn nhẹ một chút bánh quy hoặc một số loại trái cây trước khi bổ sung sữa chua.

Không nên ăn sữa chua và uống thuốc cùng một thời điểm vì những thành phần trong thuốc có thể tiêu diệt sữa chua và khiến cho loại thực phẩm này không thể mang lại những lợi ích sức khỏe như mong đợi. Do đó, bạn nên ăn sữa chua sau uống thuốc khoảng 2 đến 3 tiếng.

Nếu đang bị viêm họng không nên ăn sữa chua khi vừa lấy ra từ tủ lạnh mà nên để sữa chua khoảng 10 phút ở bên ngoài rồi mới ăn. Lưu ý, không nên đun nóng sữa chua vì cách làm này có thể tiêu diệt những lợi khuẩn trong món ăn này.

Nếu đang bị thừa cân, béo phì thì chỉ nên ăn sữa chua không đường. Sau khi ăn sữa chua, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách súc miệng hay đánh răng để tránh xảy ra tình trạng vi khuẩn từ sữa chua còn trong miệng và làm hỏng men răng.

Người bị bệnh viêm loét dạ dày cũng nên hạn chế ăn sữa chua. Những bệnh nhân này thường phải dùng thuốc kháng axit, làm cho vi khuẩn sinh hơi dồn lên và khiến bụng rất ấm ách, khó chịu. Ăn sữa chua có thể giúp khí được đẩy xuống và phục hồi tính axit, từ đó người bệnh có thể giảm cảm giác đầy bụng, khó chịu.

Đối với những trẻ biếng ăn hoặc bị tiêu chảy nên cho trẻ ăn sữa chua để lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Hơn nữa, chất kháng sinh lactocidine trong sữa chua cũng có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy. Sữa chua cũng là loại thực phẩm dễ tiêu hóa và rất tốt đối với những trẻ biếng ăn.

Đặc biệt bệnh viện cũng nhấn mạnh, những trường hợp lạm dụng kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và khiến cơ thể dễ bị mắc bệnh hơn. Do đó, cần bổ sung sữa chua để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và giúp người bệnh khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ nên bổ sung sữa chua sau khi dùng kháng sinh. Không nên bổ sung khi đang dùng kháng sinh vì kháng sinh dễ và men vi sinh sẽ làm mất tác dụng của nhau, cụ thể là men vi sinh trong sữa chua cung cấp lợi khuẩn đường ruột, còn thuốc kháng sinh lại đang tìm cách diệt vi khuẩn đường ruột.

Ngoài việc bổ sung sữa chua và ăn sữa chua đúng cách, bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học như ngủ đủ giấc và thường xuyên tập luyện, ưu tiên ăn các loại rau củ quả, hạn chế đồ xào, rán,… để tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa.

Tiêu chuẩn quốc gia 7030:2016 về sữa lên men

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho các loại sữa lên men gồm: sữa lên men đã qua xử lý nhiệt, sữa lên men đậm đặc và các sản phẩm sữa hỗn hợp, để dùng trực tiếp hoặc để chế biến tiếp phù hợp với Điều 2 của tiêu chuẩn này.

Theo đó thành phần cơ bản và các chỉ tiêu chất lượng bao gồm nguyên liệu sữa và/hoặc các sản phẩm từ sữa. Nước uống dùng để hoàn nguyên.

Thành phần cho phép gồm các chủng khởi động của các vi sinh vật có lợi bao gồm các chủng quy định; Các vi sinh vật thích hợp và có lợi khác; Natri clorua; Các thành phần không từ sữa nêu trong 2.3 (sữa lên men có hương); Nước uống; Sữa và sản phẩm sữa.

Gelatin và tinh bột dùng trong: sữa lên men được xử lý nhiệt sau khi lên men; sữa lên men có hương; sữa uống lên men, và sữa lên men hoàn toàn nếu cơ quan có thẩm quyền của nước bán sản phẩm cho phép.

Với điều kiện là chúng được bổ sung chỉ với các lượng theo chức năng cần thiết khi thực hiện theo thực hành sản xuất tốt, có tính đến việc sử dụng chất làm ổn định/chất làm dày. Các chất này có thể được bổ sung trước hoặc sau khi thêm các thành phần không phải từ sữa.

Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn chỉ có thể sử dụng các nhóm phụ gia đối với các loại sữa quy định. Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này phải tuân thủ giới hạn tối đa đối với các chất nhiễm bẩn.

Đối với việc ghi tên gọi của sữa lên men có hương phải gồm cả tên của các chất tạo hương hoặc các hương liệu đã bổ sung. Để tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, thì việc công bố hàm lượng chất béo sữa có thể được thực hiện theo quy định của nước bán sản phẩm, bằng phần trăm khối lượng hoặc bằng gam trên khẩu phần định lượng trên nhãn khi số khẩu phần được công bố trên nhãn.

Ghi nhãn bao bì không dùng để bán lẻ phải có hướng dẫn bảo quản, nếu cần, phải được ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo, ngoại trừ tên của sản phẩm, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói được ghi trên bao bì. 

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot