Cần biện pháp xử lý mạnh các vụ vi phạm công trình thủy lợi

author 06:08 05/05/2022

(VietQ.vn) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cả nước hiện có 51.827 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng tỉ lệ xử lý rất thấp. Các vi phạm được xử lý chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở, phạt cảnh cáo, thiếu biện pháp xử lý mạnh mang tính răn đe các đối tượng vi phạm.

Vi phạm công trình thủy lợi diễn biến phức tạp

Ngày 4/5/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã có công văn số 2734/BNN-TCTL gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo Bộ NN&PTNT, qua báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi năm 2021, tính đến 31/12/2021, tổng số các vụ vi phạm đã được phát hiện là 51.827 vụ, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi.

Cả nước có trên 51.800 vụ vi phạm công trình thủy lợi nhưng tỉ lệ xử lý quá thấp, thiếu biện pháp xử lý mạnh mang tính răn đe. 

Tình hình vi phạm công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp, một số địa phương có số vụ vi phạm lớn (trên 1.000 vụ).

Tuy số lượng vi phạm công trình thủy lợi nhiều, nhưng tỉ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao (34.395/51.828 vụ vi phạm, chiếm trên 66%). Các vi phạm được xử lý chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở, phạt cảnh cáo, thiếu biện pháp xử lý mạnh mang tính răn đe các đối tượng vi phạm.

Kết quả xử lý vi phạm hành chính rất thấp. Một số địa phương có tỷ lệ vi phạm nhiều nhưng không xử phạt hành chính gồm: Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa… Nhiều vụ vi phạm không được xử lý kịp thời đã ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình và làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.

Tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý mạnh các vi phạm

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2022, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo đó, Bộ NN&PTNT để nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện và công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận...

Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ công trình thủy lợi. Tiếp tục thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND các xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.

Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện và các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang