Cần chọn ‘tọa độ ưu tiên’ để hỗ trợ doanh nghiệp

author 16:57 26/10/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn lực có hạn, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần chọn "tọa độ ưu tiên" để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi dịch Covid-19.

Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong đó quy định 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021, gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong hai quý cuối năm đối với hộ/cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề; miễn tiền chậm nộp của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cấp bách, ngắn hạn rất kịp thời, cần thiết nhưng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 dự báo còn lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá trong thời gian tới.

Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý đến nhóm biện pháp hỗ trợ tái cấu trúc nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi và tăng khả năng phục hồi. Đó là hỗ trợ số hóa (làm việc từ xa và bán hàng điện tử) nhằm tăng cường kỹ năng số cho doanh nhân, chủ doanh nghiệp và người lao động; mở rộng tiếp cận hạ tầng, công cụ và kỹ thuật số;

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, tập trung vào những yếu tố liên quan đến đại dịch hoặc hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh; Hỗ trợ tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp cho việc giảm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ... Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ nâng cao kỹ năng và học các kỹ năng mới cho người lao động khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đây là kinh nghiệm nhiều nước đã triển khai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần chọn "tọa độ ưu tiên" để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đó có thể là một số chuỗi sản xuất quan trọng, những trung tâm tăng trưởng có vai trò quyết định đối với phục hồi kinh tế hoặc một số doanh nghiệp có sứ mệnh quốc gia, doanh nghiệp lớn mà sự phục hồi của doanh nghiệp đó có thể kéo theo cả chuỗi liên quan...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang