Cần chính sách hỗ trợ dài hạn giúp doanh nghiệp phục hồi

author 06:47 26/11/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đến nay thiệt hại vẫn rất lớn. Trước ảnh hưởng như vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn cần có thêm gói hỗ trợ tài chính với quy mô đủ lớn và dài hơi.

Mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng tình trạng nguyên liệu đầu vào, giá cả tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số nước đã làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, khó khăn liên quan đến tài chính và dòng tiền vẫn đang là gánh nặng lớn của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào việc Nhà nước xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ảnh minh họa.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, doanh nghiệp mong muốn có thể giảm một số loại thuế, phí để giảm chi phí kinh doanh. Trong 2 năm ảnh hưởng từ dịch, chính sách hỗ trợ chủ yếu mới dừng ở việc giãn, hoãn các khoản thuế, phí, đến thời hạn doanh nghiệp vẫn phải nộp về cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần các chính sách dài hơi hơn, bởi lẽ điều quan trọng nhất là duy trì “sự sống” và giúp doanh nghiệp dần phục hồi:

“Chúng ta yêu cầu phải thực hiện mục tiêu kép vừa về phòng, chống dịch tốt nhưng vẫn phải đảm bảo sự tăng trưởng của các hoạt động sản xuất kinh doanh; nhưng đối với doanh nghiệp hiện nay, việc quan trọng nhất là duy trì và phục hồi, để duy trì phục hồi Chính phủ phải có những chính sách có độ trễ dài hơi hơn.

Ví dụ, chính sách về thuế, miễn giảm phí, hạ lãi suất… chúng ta chỉ áp dụng đến 31/12/2021, nhưng thực tế sự phục hồi của doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh phải kéo dài có thể 1 đến 5 năm. Do đó, chính sách của chúng ta mong muốn là cần kéo dài ra để giúp doanh nghiệp có thể phục hồi và tiếp tục phát triển”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho hay, thủ tục hành chính nhận hỗ trợ vẫn còn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, do thông tin hướng dẫn không đầy đủ nên người dân, doanh nghiệp không biết mình liệu có thuộc diện được hỗ trợ trong đợt mới hay không.

Cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong muốn cần phải nhìn lại và rút kinh nghiệm từ những bài học của các gói hỗ trợ năm 2020 và 2021. Cần lắng nghe hơn nữa khuyến nghị của doanh nghiệp và người dân, các viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để đưa ra giải pháp sống chung an toàn với đại dịch trong tương lai.

Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang rất kỳ vọng vào việc Nhà nước xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ngành kinh tế có phương án phát triển các hoạt động của mình. Đồng thời, mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn để tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất thuận lợi.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang