Cần sớm có 'liều thuốc' đặc trị 'căn bệnh' tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu

author 14:12 19/12/2021

(VietQ.vn) - Để chữa “căn bệnh” tắc ở cửa khẩu đâu chỉ cần “liều thuốc” trước mắt, ngắn hạn mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu, chủ động ứng phó.

“Căn bệnh” ùn tắc nông sản mãn tính

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 18/12, tổng lượng xe container hàng hoá xuất đi Trung Quốc bị tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.804 xe. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.312 xe, chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử...; Cửa khẩu Tân Thanh ứn ứ 2.842 xe container, với các mặt hàng dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định; Cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ trên được đơn vị chức năng tỉnh Lạng Sơn đánh giá là do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, phía Trung Quốc siết chặt quản lý phòng chống dịch, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn.

 Ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu là câu chuyện thường xuyên diễn ra nhiều năm nay

Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Hoàng Khánh Duy cho biết, trong văn bản về việc hạn chế vận chuyển hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (lần 3), Ban đã khuyến cáo và yêu cầu doanh nghiệp, chủ hàng và lái xe chủ động lập kế hoạch xuất nhập khẩu, điều tiết từ sớm, từ xa; trao đổi với bạn hàng, đối tác Trung Quốc để tạm dừng hoặc hạn chế tối đa lượng phương tiện chở hàng lên cửa khẩu trên địa bàn trong thời điểm này.

Để kịp thời khắc phục ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Đây không không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu bởi nhiều năm qua từ dưa hấu, khoai lang, thanh long và nhiều mặt hàng nông sản khác đã rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan, hoặc nhập khẩu… Vì thế, đây trở thành “căn bệnh” mãn tính với nông sản Việt Nam nhiều năm chưa có “thuốc” chữa. Do đó, sự cấp thiết của việc phải có chiến lược lâu dài trong tiêu thụ nông sản cần được nghiêm túc nghiên cứu và thực thi.

Cần có giải pháp chiến lược lâu dài

Anh Đinh Bá Tiến là lái xe đường dài chở nông sản sang Trung Quốc đã chờ ở đây 14 ngày trong điều kiện sinh hoạt tạm bợ, phát sinh nhiều chi phí. Sau khi nằm ở bãi chờ 8 ngày, anh Đinh Bá Tiến phải chờ xuất hàng thêm 6 ngày nữa. Vì vậy, ngoài thời gian, chi phí xăng dầu để duy trì kho lạnh cho container hàng hóa cũng đến tiền triệu mỗi ngày, chưa kể chi phí bến bãi, ăn uống sinh hoạt cũng rất tốn kém. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khó khăn cho cả lái xe và chủ hàng.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, việc Trung Quốc dừng thông quan này không phải lý do duy nhất khiến hàng nghìn xe đang ùn ứ chờ thông quan tại các cửa khẩu. Cuối năm thường là cao điểm xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, cũng là thời điểm thu hoạch nông sản, lượng hàng chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc rất lớn.

 Cần có một giải pháp chiến lược lâu dài để khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu

Không những thế, xe tải chở hàng sau khi đã vào khu vực cửa khẩu phải dừng ở bãi chờ, lái xe sẽ được cách ly tập trung. Cửa khẩu sẽ bố trí lái xe chuyên trách để lái xe hàng qua cửa khẩu. Việc thông quan hàng hóa với quy trình như vậy khiến tình trạng ùn ứ ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia, để chữa chứng "nghẽn” ở cửa khẩu đâu chỉ cần “liều thuốc” trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.
Điều đáng nói là không thể đổ lỗi tất cả cho dịch COVID-19 bởi trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một triệu chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần thể hiện rõ hơn vai trò nhạc trưởng cũng như hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó. Dù chưa thể chữa trị dứt điểm “căn bệnh” này nhưng cần kê toa chính xác và định hình phác đồ điều trị hiệu quả.

Nhằm khôi phục hoạt động giao thương, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục mở lại hoạt động các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc phối hợp để giúp giải toả ách tắc này, Bộ trưởng Công Thương đã nhiều lần điện đàm/ hội đàm cũng như gửi công thư và nhiều công hàm của Bộ Công Thương tới Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cơ quan phía của Trung Quốc thúc đẩy giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Đầu tháng 12, Bộ trưởng Công Thương một lần nữa có thư gửi tới các đối tác phía Trung Quốc (Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng hải quan, Bí thư Quảng Tây) đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.

Theo ông Trần Quốc Toản, Bộ Công Thương đã liên tục phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam…

Cùng với đó, Bộ Công Thương nhiều lần có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp cũng như đề nghị các địa phương có vùng trồng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đặc biệt, Bộ đã trao đổi với đối tác phía Trung Quốc để chuyển sang đi qua các khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thuỷ sản.

Mặt khác, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch; ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang