Cần sớm đồng bộ, xây dựng các giải pháp bảo vệ không gian xanh đô thị

author 23:18 26/07/2022

(VietQ.vn) - Thiếu không gian xanh là thực trạng đang diễn ra tại nhiều đô thị lớn của Việt Nam. Do đó, cần sớm ban hành “Quy định xây dựng và quản lý không gian xanh trong các đô thị” nhằm tạo lập môi trường sống chất lượng cho người dân.

 Không gian xanh cần được chú trọng trong quá trình hiện đại hoá đô thị tại Việt Nam.

Không gian xanh được ví như lá phổi của đô thị, góp phần cân bằng xã hội, môi trường sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. Quá trình đô thị hóa mang lại cho các thành phố lớn của Việt Nam bộ mặt khang trang, hiện đại hơn, nhưng đi liền với đó là phần không gian xanh, không gian công cộng ngày càng thu hẹp. Vậy, làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu mảng xanh đô thị trong bối cảnh đô thị lớn quá tải bởi nhà cao tầng và nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí trầm trọng, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan?

Vấn đề trên luôn được các cấp chính quyền và người dân thật sự quan tâm. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý tham gia đánh giá thực trạng, góp ý, kiến nghị giải pháp xây dựng không gian xanh đô thị tại Toạ đàm: “Bảo vệ không gian xanh đô thị” tổ chức tại Hà Nội ngày 26/07.

Thực trạng thiếu không gian xanh trong khu đô thị

Đánh giá thực trạng không gian xanh tại các đô thị của Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Không gian xanh là thành phần không thể thiếu trong hạ tầng đô thị, có vai trò hết sức quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm cho TP xanh hơn, đẹp hơn, tạo bản sắc đô thị. Tại điều 57, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra tiêu chuẩn về bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch. Hay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng đặt mục tiêu KGX đạt 7m2/đầu người. Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội hiện đạt khoảng 2m2/đầu người, đó là thực tế đáng buồn.

GS. TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích thêm, không gian xanh đều có trong quy chuẩn. Như diện tích bình quân theo quy chuẩn 01/2021 của Bộ Xây dựng đô thị đặc biệt là 7m2/người, Hà Nội là 9m2, mà WHO đã đề xuất và Việt Nam đang hướng đến.

 Hà Nội và các thành phố lớn đang có nhiều khu đô thị "ngột ngạt" vì thiếu không gian xanh.

Bức tranh toàn cảnh cho thấy để đạt quy chuẩn ban đầu rất khó. “Chúng ta ít đề cập đến lợi ích sức khỏe đặc biệt cho nhóm yếu thế như người già, trẻ nhỏ để mọi người rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe. Thiếu không gian xanh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, GS. Chi nhận định.

Nói về những bất cập của địa phương trong vấn đề quy hoạch không gian đô thị, Ths. Trần Thị Thanh Ý - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng: "Ai cũng nhìn thấy nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Đó là quản lý chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.

Hiện nay, chương trình phát triển đô thị có một số giai đoạn: Phát triển đô thị với công trình đô thị mới. Có những chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị theo từng giai đoạn. Ví dụ ở Hà Nội có chương trình kỷ niệm (ngày lễ lớn) cũng gắn một phần với chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, chỉnh trang đô thị của chúng ta chưa được quản lý một cách đồng bộ nên hoạt động mang tính chất rời rạc, có khi chúng ta thấy là mới làm vỉa hè trong khi cây xanh trên hè đường đó chưa có sự liên hệ với nhau. Đến lúc trồng cây xanh thì hè đường lại đào bới lên.

Vấn đề thứ hai chúng tôi thấy là quy hoạch cây xanh trong đô thị, chúng ta cần có sự đánh giá lại hệ thống cây xanh đô thị hiện hữu. Cái gì cần bảo tồn, cái gì cần di dời. Chính vì động tác này chúng ta làm không bài bản, không mang tính chất tuyên truyền sâu rộng nên một vài năm trước đây có tình trạng đồng loạt “phá” cây xanh ở một số tuyến đường chính, gây phản ứng dư luận rất lớn. Bởi vậy, cần sự đồng bộ từ kế hoạch, tuyên truyền và phổ biến. Ngoài ra, cái gì làm cũng phải có kế hoạch trước (trồng cây gì, đưa lên lúc nào, thời điểm nào)”.

KTS Đinh Đăng Hải, Chuyên gia cao cấp Chương trình Thành phố Sống tốt cho biết: Thiếu quỹ đất là vấn đề hiện hữu với khu đô thị hiện nay. Các quy chuẩn áp dụng cho đô thị mới sử dụng nhiều đất cho đô thị là giao thông, 10-30% đối với các đồ án quy hoạch đô thị mới.

Thời gian tới, dưới Quy chuẩn 01, 64 cần có quy định không gian xanh trong đô thị phải được ưu tiên hàng đầu. Khi quỹ đất được đảm bảo mới đảm bảo vấn đề hạ tầng khác, hành lang pháp lý cần được ưu tiên từ cấp quốc gia đến khu dân cư. Ngoài ra còn các yếu tố đa ngành, không chỉ ngành xây dựng hay môi trường, vì vậy các nhà quy hoạch phải chú ý đến lợi ích công, đầu tư công, các đơn vị nhà đầu tư.

Giải tỏa ''cơn khát'' không gian xanh đô thị

Các khu đô thị mới chiếm tỷ trọng rất lớn trong khu vực sinh sống của thành phố lớn hiện nay và những năm tới. Do đó, cần sớm ban hành “Quy định xây dựng và quản lý không gian xanh trong các khu đô thị mới” nhằm tạo lập môi trường sống có chất luợng tốt cho cư dân. Bên cạnh đó, xây dựng và quản lý không gian xanh cần được chính quyền đô thị, chủ đầu tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư quan tâm nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển từng địa phương.

Vấn đề đặt ra, cần giải pháp gì cải thiện chất lượng môi trường và không khí, bảo vệ không gian xanh đô thị? GS. TS Kim Chi chia sẻ: “Có nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí, tôi muốn lưu ý chỉ thị 03 của Thủ tướng về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí. Chỉ thị giao trách nhiệm đến các bộ ngành chứng minh người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí. Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển đô thị xanh với tỷ lệ cây xanh, không gian xanh đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, giảm thiểu tại nguồn chất gây ô nhiễm. Vấn đề giao thông đô thị cũng gây ô nhiễm rất nhiều, phải quy hoạch giao thông như thế nào để khí thải đạt quy chuẩn cho phép”.

 Phát triển đô thị cần đi liền với phát triển không gian xanh.

Nói về giải pháp thúc đẩy phát triển không gian xanh trong đô thị, định hướng cho các đô thị của Việt Nam có hướng đi bền vững, đúng đắn, đáp ứng đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, KTS Đinh Đăng Hải cho biết: Cây xanh chiếm phần lớn trong công viên nên việc quy hoạch cây xanh tại các công viên, không gian công cộng, số lượng và diện tích không gian xanh sẽ tăng. Sân các tòa nhà sẽ tăng dù không nhiều nên khi có quy hoạch việc phát triển hệ thống cây xanh tăng lên giúp phần không gian xanh cũng tăng lên.

Để kiến tạo không gian đô thị xanh trong đô thị cần hiểu nguyên tắc hình thành hệ thống không gian xanh đô thị. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Thế Đồng cho biết, ở nhiều quốc gia, các TP được xây dựng theo đúng nghĩa đô thị xanh, đô thị sinh thái. Chúng ta có thể học rất nhiều bài học như Singapore là đất nước có diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động khác nhau nhưng luôn đứng đầu về đảm bảo tiêu chí KGX, đạt 30m2/ đầu người.

Tại Việt Nam nhiều nơi đã có sự thay đổi đáng khích lệ như ở Hội An, Đà Nẵng trồng loại cây phù hợp hơn đối với môi trường đô thị. Để giải quyết vấn đề quỹ đất thiếu, tôi kiến nghị tận dụng diện tích xen kẹt, bỏ không nhiều năm chuyển thành không gian xanh, đảm bảo không gian sống. 

Về mặt kiến trúc, quy hoạch trong các thành phố chưa phát huy được lợi thế của điều kiện tự nhiên, các kinh nghiệm truyền thống của thế hệ đi trước trong việc tạo dựng môi trường ở xứ nhiệt đới. Về mặt quản lý và sử dụng công trình, chưa chú trọng vào vấn đề tiết kiệm năng lượng, việc quản lý chất thải, khí thải chưa được thực hiện triệt để. Về quy hoạch, chưa có sự nghiêm túc trong quản lý, giám sát thực hiện, dẫn đến tình trạng diện tích KGX, không gian công cộng bị cắt xén. Vì vậy, cần coi trọng không gian xanh trong quy hoạch đô thị, coi không gian xanh là tài sản quý cần bảo vệ và phát triển. Thiết lập hệ thống KGX trong đô thị, cần coi trọng đầu tư chiều sâu.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), từ 2010-2015 Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn (4 hồ thuộc quận Đống Đa, 3 hồ thuộc quận Hai Bà Trưng, 8 hồ thuộc quận Cầu Giấy và 2 hồ thuộc quận Tây Hồ), trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới.

Tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm hơn 72.000 m2. Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận lõi nội thành của Hà Nội.

Nguyễn Hương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang