Cẩn trọng trước thông tin quảng cáo về sản phẩm bộ lọc tổng TGL Water của Tectonic Green Life

author 07:09 27/01/2024

(VietQ.vn) - Người dùng cần cẩn trọng, hiểu đúng và đủ thông tin về sản phẩm bộ lọc tổng TGL Water do Công ty Cổ phần Tectonic Green Life phân phối trước khi quyết định mua sản phẩm này.

Nước uống trực tiếp phải đạt QCVN 6-1:2010/BYT

Hiện nay do tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng ở nhiều nơi nên nhiều gia đình đã lựa chọn máy lọc nước hoặc đầu tư các bộ lọc tổng đầu nguồn để cải thiện tình hình. Trên thị trường, các hãng máy lọc nước, các đơn vị cung cấp bộ lọc tổng thường đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) như: QCVN 02:2009-BYT, QCVN 01:2009/BYT, QCVN 6-1:2010/BYT, QCVN 01-1:2018/BYT.. để thể hiện chất lượng nước sau khi lọc qua máy lọc nước hoặc bộ lọc tổng do mình cung cấp. Trong đó, hiện nay QCVN 6-1:2010/BYT là quy chuẩn quốc gia cao nhất về nước uống trực tiếp (nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai) tại Việt Nam.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 6-1:2010/BYT về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai được sử dụng với mục đích giải khát. 

Đối với các sản phẩm nước đóng chai, nước khoáng thiên nhiên hoặc sản phẩm nước lọc khác đạt chuẩn QCVN 6-1: 2010/BYT, người dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi uống trực tiếp. Tuy nhiên, nguồn nước đạt quy chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT phải được kiểm soát qua 21 chỉ tiêu hóa lý và 5 chỉ tiêu vi sinh bắt buộc. Các chỉ tiêu hóa lý có thể kể đến như Amoni, Asen, Chì, Xyanua, Thủy ngân, chất nhiễm xạ… Các chỉ tiêu vi sinh như: E.Coli, Coliform…

Không thể phủ nhận thực tế thời gian qua đã có những cơ sở kinh doanh các máy lọc nước, bộ lọc tổng có chất lượng cao, cho ra nguồn nước đạt các chỉ tiêu được quy định trong QCVN 6-1:2010/BYT, có thể uống trực tiếp. Tuy nhiên, thị trường cũng xuất hiện một số các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cố tình quảng cáo sai sự thật về chất lượng nước được lọc từ máy lọc nước, bộ lọc tổng do các đơn vị này cung cấp. Điển hình là tình trạng quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo với thông tin gây nhầm lẫn liên quan tới QCVN 6-1:2010/BYT.

Showroom giới thiệu sản phẩm TGL Water tại Shophouse 14-TM4-1 Khu đô thị The Manor Central Park, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Bộ lọc tổng TGL Water có cho nước đầu ra đạt QCVN 6-1:2010/BYT như đã quảng cáo hay không?

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tectonic Green Life (TGL Water) đang phân phối nhiều bộc lọc nước như: Lọc tổng cho chung cư; Lọc tổng cho nhà đất; Lọc tổng cho biệt thự; Lọc nước uống nguyên khoáng; Lọc dưới bồn; Lọc tổng cho nguồn nước nhiễm khuẩn; Lọc tổng cho nguồn nước cặn đá vôi; Lọc tổng cho nguồn nước kim loại nặng…Tuy nhiên, hiện các sản phẩm này đang được giới thiệu, quảng cáo với nhiều thông tin dễ gây nhầm lẫn, thậm chí sai sự thật.

Được biết, Công ty Cổ phần Tectonic Green Life (TGL Water) có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tầng 4, số nhà 67, Phố Yên Lãng, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội; địa chỉ Showroom giới thiệu sản phẩm tại Shophouse 14-TM4-1 Khu đô thị The Manor Central Park, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Vũ Tuấn Anh.

Trên website của công ty này, sản phẩm Máy lọc nước giữ khoáng để bàn TGL Water MDC23, Máy lọc nước giữ khoáng để gầm TGL Water MDU23, Máy lọc nước khoáng kiềm TGL Water MAD23, Máy lọc nước Hydrogen TGL Water HHD23, Bộ Lọc Tổng Đầu Nguồn TGL Water _ CQDS22… đều đang được quảng cáo với thông tin “Nước đầu ra đạt chuẩn nước khoáng đóng chai QCVN 6-1: 2010/BYT” hoặc "Cam kết đạt TCQG về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT". Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có cơ quan chức năng nào chứng nhận các sản phẩm này thể lọc ra nước đạt QCVN 6-1: 2010/BYT. Vậy căn cứ vào đâu mà Công ty Cổ phần Tectonic Green Life lại đưa ra thông tin quảng cáo này?

Trên website của Công ty Cổ phần Tectonic Green Life ghi thông tin "Cam kết đạt TCQG về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT". Tuy nhiên, ông Vũ Tuấn Anh lại nói rằng thông tin này không phải do công ty công bố?

Một số sản phẩm còn được quảng cáo có bộ lọc có khả năng loại bỏ tới 99,9% vi rút, vi khuẩn. Tuy nhiên, không rõ bộ lọc có thể loại bỏ 99,9% những loại vi khuẩn, vi rút nào hay tất cả các loại vi rút, vi khuẩn đều có thể bị loại bỏ tới 99,9%? Công ty Cổ phần Tectonic Green Life cũng không đưa ra bằng chứng khoa học hay được cơ quan chức năng nào chứng nhận các công dụng này. Thậm chí, có sản phẩm còn được quảng cáo lọc ra loại nước có thể giúp “giảm nguy cơ mắc bệnh tim, hạ huyết áp, giảm bệnh dạ dày, chống viêm”, điều này có thật hay không? Cơ quan nào đã chứng nhận?

Việc nhiều sản phẩm bộ lọc nước của Công ty Cổ phần Tectonic Green Life được quảng cáo với nhiều thông tin gây nhầm lẫn, thậm chí thiếu cơ sở khoa học làm dấy lên lo ngại về chất lượng sản phẩm TGL Water. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng không thể biết rõ được nước được lọc ra từ các bộ lọc này có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dùng hay không? Thông tin về việc nước đầu ra đạt chuẩn theo QCVN 6-1: 2010/BYT có chính xác hay không? Cơ sở nào để chứng minh một số sản phẩm nước đầu ra có khả năng giảm bệnh dạ dày, chống viêm như quảng cáo?

Để đảm bảo thông tin được khách quan, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Anh, người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tectonic Green Life. Đối với thông tin một số sản phẩm bộ lọc tổng TGL Water được quảng cáo cho nước đầu ra đạt QCVN 6-1: 2010/BYT, ông Vũ Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng, bản thân phía Công ty Cổ phần Tectonic Green Life không dám nhận, không dám công bố nước sau khi lọc từ các bộ lọc TGL Water đạt QCVN 6-1: 2010/BYT. Việc có thông tin nước đầu ra đạt QCVN 6-1: 2010/BYT chỉ mang tính tham khảo, tạo cơ sở để người dùng kiểm tra chất lượng nước sau khi được lọc từ bộ lọc tổng TGL Water.

"Công ty anh cũng không dám công bố là thiết bị lọc tổng của bên anh có thể lọc ra nước đạt QCVN 6-1: 2010/BYT. Bên anh để thông tin nước đầu ra đạt QCVN 6-1: 2010/BYT là để người dùng có căn cứ đi kiểm tra nước sau khi lọc có uống trực tiếp được theo QCVN 6-1: 2010/BYT hay không mà thôi. Cũng cần phải có quy chuẩn để người dùng căn cứ vào đó để kiểm nghiệm nước. Ví dụ người ta mua sản phẩm của anh về, sau khi lọc xong người ta lấy nước đó đi kiểm nghiệm theo các chỉ tiêu của QCVN 6-1: 2010/BYT ", ông Vũ Tuấn Anh nói với phóng viên.

Mặc dù ông Vũ Tuấn Anh nói rằng, phía Công ty Cổ phần Tectonic Green Life không tự nhận sản phẩm bộ lọc cho nước đầu ra đạt QCVN 6-1: 2010/BYT. Tuy nhiên, những gì công ty này đăng tải trên website lại hoàn toàn trái ngược. Sản phẩm Máy lọc nước giữ khoáng để bàn TGL Water MDC23, Máy lọc nước giữ khoáng để gầm TGL Water MDU23, Máy lọc nước khoáng kiềm TGL Water MAD23, Máy lọc nước Hydrogen TGL Water HHD23, Bộ Lọc Tổng Đầu Nguồn TGL Water _ CQDS22… đều đang được quảng cáo với thông tin “Nước đầu ra đạt chuẩn nước khoáng đóng chai QCVN 6-1: 2010/BYT” hoặc "Cam kết đạt TCQG về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT". "

"Nếu cứ như thông tin trên website quảng cáo, người dùng như tôi nhìn vào sẽ hiểu là công ty đang khẳng định sản phẩm TGL Water có thể cho nước đầu ra đạt QCVN 6-1:2010/BYT. Nếu nói đây là thông tin tham khảo hoặc chỉ dẫn thì cần ghi cụ thể hơn. Thông tin này rất dễ gây hiểu nhầm về chất lượng sản phẩm", anh L.X.H, một người dùng nói với phóng viên.

Còn đối với thông tin sản phẩm có khả năng "loại bỏ 99,99% vi khuẩn, virut", ông Vũ Tuấn Anh cho biết thông tin này Công ty Cổ phần Tectonic Green Life lấy từ đơn vị cung cấp sản phẩm bộ lọc tổng cho công ty. Bản thân ông Vũ Tuấn Anh cũng không rõ con số 99,99% này là tất cả các loại virut, vi khuẩn hay chỉ một số loại nhất định.

Sản phẩm được quảng cáo có thể loại bỏ 99,99% virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, thông tin này phía Công ty Cổ phần Tectonic Green Life lấy lại từ quảng cáo của đơn vị cung cấp, chưa qua kiểm chứng.

Theo Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, kính đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Chi cục ATVSTP Hà Nội cùng vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có).

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, muốn lọc được vi sinh vật thì việc sản xuất ra máy móc, màng lọc phải rất tốt, đáng tin cậy. Thực tế trên thị trường hiện nay vật liệu dùng để lọc cũng khó tin tưởng được, việc sản xuất rất đại trà, có nhà sản xuất chỉ mang tính hình thức, sản phẩm có thể không đảm bảo.

Cũng theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng càng không nên vội tin vào mấy lời quảng cáo như công nghệ hàng đầu, máy lọc nước hàng đầu, máy lọc nước diệt khuẩn hoàn toàn... Bởi trong quá trình sử dụng sẽ phát sinh hư hỏng, vì tuổi thọ của một số màng lọc chỉ vài tháng hoặc vài nghìn lít nước là phải thay mới.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang