Cảnh báo: Bụi mịn, mù sương cuối năm làm tăng nguy cơ bệnh hô hấp

author 11:20 14/12/2022

(VietQ.vn) - Theo kết quả quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay chỉ số bụi mịn tăng vượt chuẩn có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp.

Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó trưởng Phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, thời điểm giao mùa khoảng đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, thành phố thường xảy ra hiện tượng mù sương vào sáng sớm. Thời điểm này nhiệt độ xuống thấp, có sự chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm từ 10 đến 12 độ C dẫn đến hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ cục bộ.

Lúc này, nhiệt độ các lớp không khí gần mặt đất thấp hơn nhiệt độ không khi lớp tầng cao, không khí không thể đối lưu, tạo ra lớp mù sương. Khi có sẵn hơi nước, thêm yếu tố ô nhiễm không khí khói, bụi, những chất lơ lửng bay trong không khí không nhìn được bằng mắt thường. Chính những hạt bụi mịn trong không khí làm cho những hạt sương, hạt hơi nước bám vào, tạo màn sương mờ đục.

Kết quả quan trắc không khí bốn đợt gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP HCM đều vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn Việt Nam là 50 µg/m3. Các bản tin chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ghi nhận trong tháng 9, giá trị tối đa của nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 52 µg/m3. Tháng 10, nồng độ tối đa đo được là 59 µg/m3 và lên 66 µg/m3 trong đợt đo gần nhất ở cuối tháng 11.

 Bụi mịn gây tác động lớn tới hô hấp. Ảnh minh họa

"Chúng tôi đánh giá là các điểm đo vượt chuẩn chủ yếu tập trung ở các nút giao thông có mật độ cao và các khu vực có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông", ông Hòa nói và cho biết thêm trong 3 tháng qua nồng độ bụi mịn PM2.5 đều vượt quy chuẩn và có xu hướng tăng, tuy nhiên so với cùng kỳ các năm trước thì "chưa nhận thấy điều bất thường".

Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.

Thông số bụi mịn PM2.5 hằng ngày là giá trị quan trắc trung bình được Sở Tài nguyên và Môi trường đo 24 giờ liên tục tại tất cả vị trí quan trắc. Trong đó có 20 trạm đo chất lượng không khí ảnh hưởng của hoạt động giao thông gồm vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm, ngã 4 An Sương, ngã 6 Gò Vấp, ngã 4 Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát... Đây đều là những khu vực có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Kết quả đo bụi mịn trong các kỳ như trên đều tiến hành ở 20 trạm đo này, tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường không cho biết cụ thể thời điểm đo trong ngày.

TP HCM có số lượng lớn phương tiện tham gia giao thông hàng ngày, đặc biệt là dịp cuối năm các chuyến xe tăng mạnh phục vụ lễ tết và nhu cầu đi lại. Vậy nên, theo ông Hòa, nồng độ bụi mịn và tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng từ hoạt động giao thông tăng cao ở giai đoạn này là điều dễ hiểu. Ngoài ra, thực tế, thị trường mua bán xe cuối năm thường vô cùng sôi động.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia Dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, ô nhiễm không khí, nhất là nồng độ bụi mịn tăng cao, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ nên có thể xâm nhập sâu vào phổi, có thể trở thành tác nhân khởi phát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng... Một số trường hợp còn ảnh hưởng đến mạch vành.

Bác sĩ Khanh cho rằng bụi mịn xuất hiện theo giờ, theo khu vực như lúc sáng sớm, chủ yếu do các phương tiện giao thông gây ra nên cần tránh nơi quá đông đúc xe cộ. "Đi học, đi làm vào giờ cao điểm thì chú ý đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp", ông khuyên.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 7 triệu cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam thì con số này là 60.000 người. Hà Nội và TP HCM là một trong những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất châu Á.

Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tiếp tục quan trắc chất lượng môi trường nhằm giám sát, cảnh báo về chất lượng không khí các khu vực ô nhiễm đến người dân. Sở cũng phối hợp Sở Giao thông Vận tải nâng cấp hệ thống đường sá giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng, từng bước thay đổi nhiên liệu xanh để giảm nồng độ ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông.

Các sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường TP HCM cùng nhiều bệnh viện phối hợp yêu cầu các công trình xây dựng che chắn, kê nơi tập kết vật liệu, tưới ẩm xung quanh khu vực xây dựng, rửa và vệ sinh xe trước khi ra vào công trường. Các xe bụi nhuyễn chạy trên đường cần phải có bạt che để không làm rơi vãi vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang diễn biến rất "xấu." Điều đáng nói là ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở trong nhà thường cao gấp khoảng từ 2-3 lần so với không khí ngoài trời. Vì thế, việc cải thiện cũng như đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo "tiêu chuẩn xanh" là rất cần thiết, bởi thực tế hơn 80% thời gian chúng ta ở trong nhà.

Chung quan điểm, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch danh dự Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) cũng cho rằng chất lượng không khí trong nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe con người là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

Thống kê của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy trong số 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong khi đó, phần lớn hoạt động của con người được diễn ra trong các tòa nhà; chất lượng không khí trong nhà chính là một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Từ thực tế đáng lo ngại nêu trên, vị chuyên gia Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng trong bối cảnh ô nhiễm không khí hiện nay, việc ban hành tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà tại Việt Nam là rất cấp thiết. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Chất lượng không khí trong nhà từ 20-30 năm về trước.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cũng nêu lên thực tế, lâu nay, Việt Nam mới chỉ quan tâm đến điều hòa không khí, còn vấn đề về thông gió, đặc biệt là cấp gió tươi trong trao đổi không khí, có nhiều công trình chưa tuân thủ.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang