Cảnh báo: Dùng lá lộc mại chữa táo bón, nguy cơ ngộ độc nặng

author 13:44 29/09/2021

(VietQ.vn) - Nhiều người thường xuyên dùng lá lộc mại chữa táo bón, tuy nhiên theo các bác sĩ người dân có thể bị ngộ độc nặng khi sử dụng loại lá này.

Nghe lời mách bảo, nhiều người thường xuyên uống nước hoặc nấu canh lá lộc mại để chữa táo bón. Hậu quả là nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Trường hợp đến viện quá muộn, có nguy cơ tử vong.

Tại một số tỉnh miền núi, cây lộc mại được trồng trong vườn nhà. Nhiều người vẫn truyền nhau kinh nghiệm dân gian uống nước lá lộc mại để chữa căn bệnh táo bón. Thời gian đầu, chỉ sử dụng một ít lá lộc mại để nấu canh ăn hoặc nấu nước uống thấy cải thiện tình trạng táo bón nên nhiều người đã tiếp tục dùng để uống. Nhưng chỉ một thời gian sau thì có biểu hiện mệt mỏi, sốt, vàng da, chóng mặt, chán ăn, đi tiểu màu đỏ… Đi khám tại bệnh viện các bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp dẫn tới thiếu máu nghiêm trọng.

Sử dụng lá lộc mại chữa táo bón, nguy hiểm khó lường. Ảnh minh họa 

Một trường hợp ngộ độc điển hình xảy ra gần đây tại Nghệ An. Theo đó, Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Quỳ Châu tiếp nhận anh Lô Văn C., sinh 1985, thường trú tại bản Tà Sỏi, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bị ngộ độc do ăn sống lá lộc mại.

BS. Trần Anh Tuấn - Khoa Nội, bệnh viện đa khoa Quỳ Châu cho biết: Bệnh nhân Lô Văn C. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đi tiểu ra máu đỏ tươi, kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được, tiểu tiện ra máu 100ml/24h trong lúc đó người bình thường phải trên 1500ml/24h. Gia đình anh C. cho biết ở nhà gia đình có làm rau sống và hái lá lộc mại để gói cùng thịt ăn sống (3 lá lộc mại). Sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện đại tiện phân lỏng nhiều lần, kèm nước tiểu màu đỏ tươi, nên gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa máu cho thấy thể trạng yếu, da xanh, niêm mạc nhợt, men gan tăng gấp 4 lần; chỉ số huyết sắc tố (Hb) giảm; trong nước tiểu có nhiều hồng cầu bị tan vỡ...

Trước đó, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận bé Phạm Minh T, 4 tuổi, thường trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh nhập viện với biểu hiện tiểu máu đỏ tươi, kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được.

Gia đình bé cho biết, trẻ ở nhà bị táo bón lâu ngày không khỏi nên đã dùng lá lộc mại để đun lấy nước uống. Sau khi uống, trẻ xuất hiện đại tiện phân lỏng nhiều lần, kèm nước tiểu màu đỏ sậm nên gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thiếu máu nặng, tan máu cấp được chỉ định truyền máu cấp cứu và nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực. Sau khi điều trị tích cực, tình trạng của trẻ đã ổn định, qua cơn nguy kịch và được các bác sỹ theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Bác sĩ Ân Hoàng Yến, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết: “Ở nhà bệnh nhân bị táo bón, gia đình đã cho ăn lá lộc mại để chữa. Nhưng sau khi ăn thì đau bụng, có biểu hiện vàng da, tiểu máu, vào viện với tình trạng thiếu máu nặng. Do vậy, người dân không nên dùng những loại lá mà không biết rõ nguồn gốc và tác dụng của những loại lá đấy. Khi dùng thì nên theo chỉ định của bác sĩ.”

Cũng theo các bác sĩ, thiếu men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) là bệnh di truyền phổ biến, bệnh nhân thường không có đủ men G6PD giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Người bệnh dễ bị dị ứng nặng khi ăn đậu tằm hoặc sử dụng một số dược phẩm, hóa chất có khả năng ôxy hóa. Đặc biệt, đối với những bệnh nhi bị ngộ độc lá lộc mại trên nền thiếu men G6PD thì tình trạng bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn những trẻ bình thường khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trường hợp này rất có thể dẫn tới tử vong.

Lá lộc mại hay một số nơi gọi là "lá mọi" là lá của cây lộc mại, một loại cây cao khoảng 2-3 mét mọc hoang dại. Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, nhân dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ…

Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn là: nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Đi tiểu màu đỏ do một loại sắc tố trong lá cây gây ra, tiểu vặt và buốt.

Điều đáng nói là việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh và dùng làm món ăn hàng ngày.

Chính vì vậy, người dân cần nâng cao hiểu biết, không nghe theo lời mách bảo, tự ý sử dụng những loại lá cây để chữa bệnh dễ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình. Tốt nhất chỉ dùng thuốc dù là Đông y hay Tây y khi đã được khám và có chỉ định của thầy thuốc.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang