Cảnh báo không nên dùng màng bọc thực phẩm để gói thực phẩm chứa chất béo, có tính axit

author 16:20 10/02/2025

(VietQ.vn) - Gần đây, trào lưu dùng màng bọc thực phẩm để gói bánh chưng, giò thủ... trữ đông lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên theo các chuyên gia, cần tránh bọc thực phẩm có chứa chất béo, có tính axit.

Theo đó, trên các hội nhóm yêu bếp, nhiều người còn chia sẻ cách dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản chả giò, giò thủ và các món ăn đã qua chế biến trong tủ đông. Các chia sẻ này nhận nhiều tương tác bởi sau tết, nhiều nhà còn dư thừa thực phẩm, đặc biệt các loại bánh, chả…

Trao đổi về trào lưu này TS Nguyễn Thị Trúc Loan, Giảng viên môn công nghệ thực phẩm - Khoa Hóa thuộc Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, màng bọc thực phẩm trên thị trường hiện nay được sản xuất chủ yếu từ loại nhựa PE - polyethylene, cụ thể là loại LDPE hoặc LLDPE (PE mật độ thấp). Loại màng plastic này trong suốt, bề mặt bóng láng, mềm dẻo, có khả năng chống thấm nước và hơi nước rất cao nên phù hợp để bao gói rau quả bảo quản ở nhiệt độ thấp, giữ chúng được tươi lâu hơn. Tuy nhiên, do khả năng chống thấm khí, mùi và dầu mỡ kém, màng bọc này không thích hợp để bao bọc trực tiếp thực phẩm giàu chất béo hoặc có tính axit. Việc bảo quản lâu dài có thể làm đứt gãy mạch polymer, gây hư hỏng bao bì.

Bánh chưng bọc thực phẩm trữ đông đang lan truyền nhiều trên mạng. Ảnh minh họa

Loại màng bọc này có thể chịu nhiệt độ thấp tới -57 độ C nên rất phù hợp để bảo quản thực phẩm lạnh và lạnh đông. Nhiệt độ nóng chảy của màng này dao động từ 85-93 độ C (đối với màng LDPE) hoặc 95 - 120 độ C (đối với màng LLDPE) nên có thể an toàn để bọc thực phẩm chín sau khi đã để nguội.

Đối với giò thủ là thực phẩm nhiều chất béo, TS Loan khuyên có thể quấn nhiều lớp để hạn chế sự mất mùi và oxy hóa chất béo gây mùi khó chịu. Trường hợp loại màng bọc thực phẩm có ghi rõ "an toàn đối với lò vi sóng, phù hợp với thực phẩm đã nấu chín" thể hiện màng được nhà sản xuất thử nghiệm và đảm bảo rằng màng sẽ không bị nóng chảy, cong vênh hay giải phóng ra các hóa chất độc hại ở các nhiệt độ nấu bằng vi sóng phổ biến.

Nhiều người lo ngại về sự tồn tại của hạt vi nhựa trong môi trường và cơ thể con người, đặc biệt sau khi các nhà khoa học phát hiện chúng trong não người TS Loan cho biết, hạt vi nhựa (microplastics) là các hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn 5mm, chúng có thể là các hạt nhựa kích thước nhỏ dùng trong mỹ phẩm (kem tẩy tế bào chết hoặc kem đánh răng), sơn, chất tẩy rửa, sợi vải tổng hợp hoặc các hạt nhựa được tạo ra từ quá trình phân rã của nhựa, chủ yếu là các loại nhựa dùng một lần dưới tác động của các yếu tố môi trường. Đây là những con đường phổ biến khiến hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể. Nếu chúng ta sử dụng các màng bọc thực phẩm không đảm bảo chất lượng và nấu nướng không đúng cách, vi nhựa có thể giải phóng vào thức ăn và đi vào cơ thể con người.

Chuyên gia về chất độc Đài Loan (Trung Quốc) Chiu Ming-wei cho biết, hầu hết màng bọc nhựa mà chúng ta sử dụng phổ biến hiện nay đều được làm bằng nhựa PVC, nhiều nghiên cứu cũng đề cập rằng màng bọc nhựa PVC sẽ hòa tan chất dẻo ở nhiệt độ cao. Chất dẻo tuy không độc hại lắm và không gây ung thư nhưng vẫn khá nguy hiểm, việc tiếp xúc quá nhiều với chất dẻo không chỉ trực tiếp khiến dương vật của trẻ không thể phát triển lớn hơn mà còn có thể gây rối loạn nội tiết, vô sinh ở phụ nữ và chậm phát triển thần kinh. Do đó, ngay từ tháng 7/2023, Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu cấm sử dụng PVC trong vật liệu đóng gói thực phẩm. Vì vậy, không nên hâm nóng thức ăn khi còn bọc màng bọc thực phẩm.

Ngoài ra do bao bì thực phẩm bằng nhựa là phần tiếp xúc trực tiếp và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực phẩm. Nếu bao bì không đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng kém hoặc chứa các chất độc hại dễ thôi ra và ngấm vào thực phẩm thì sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, các đơn vị sản xuất, phân phối bao bì thực phẩm bằng nhựa tại Việt Nam trước khi công khai lưu hành trên thị trường cần phải thực hiện thủ tục công bố chất lượng bao bì thực phẩm bằng nhựa theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT. 

Theo quy định của Nhà nước, những loại bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nếu đã có quy chuẩn kỹ thuật thì bắt buộc phải công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc hóa chất hay ngộ độc thức ăn có nguyên nhân đến từ việc tích lũy các chất có trong bao bì thực phẩm gây ra.

Thực hiện đánh giá hợp quy có thể tổ chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên thứ nhất) thực hiện. Việc đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Kết quả đánh giá hợp quy là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp quy.

Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm sản xuất trong nước thì doanh nghiệp đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y Tế). Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì doanh nghiệp đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế).

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang