Nhiễm độc thuốc nam: Nhiều người vẫn 'tiền mất, tật mang' dù đã được cảnh báo

author 12:33 24/05/2022

(VietQ.vn) - Bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo, hiện nay có rất nhiều người mù quáng tin tưởng vào thuốc nam điều trị bệnh đã gây ra những hệ lụy khó lường.

Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh mới chỉ nghe lời mách bảo, truyền miệng đã vội vàng tìm đến các loại thuốc nam để chữa bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc nam tràn lan, bừa bãi, không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn rất dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Liên tiếp ca bệnh 'gặp họa' vì thuốc nam

ThS.Bs Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, Phòng khám Chống độc đã điều trị, giải độc thành công cho một trường hợp bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam.

Cụ thể, từ năm 2019, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) phát hiện mình mắc bệnh viêm cột sống dính khớp. Bệnh nhân từng đến thăm khám tại Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy và được các bác sĩ cho thuốc điều trị. Tuy nhiên sau đó, vì nghe lời khuyên của hàng xóm rằng “bị bệnh viêm cột sống dính khớp nên uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây”, chị H. đã chuyển sang uống thuốc nam.

Sau 4 tháng dùng thuốc nam, không những tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, mà chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt... Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng và khi đến khám tầm soát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ phát hiện chị H. đã bị loét đường ruột rất nặng. Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy đã mời chuyên gia chống độc - ThS.BS Doãn Uyên Vy đến hội chẩn, cùng thăm khám để tìm ra nguyên nhân.

Nhiều người nhiễm độc thuốc nam do tin tưởng truyền miệng. Ảnh minh họa 

“Sau khi cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chúng tôi chẩn đoán chị H. bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Chúng tôi đã yêu cầu bệnh nhân ngưng uống thuốc nam để cắt đứt nguồn độc. Kế đến là một lộ trình điều trị kéo dài để giải quyết hậu quả của tình trạng viêm loét. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng này đã để lại một di chứng khá nặng, đó là tình trạng mất protein qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt 2 năm, rất tốn kém”, ThS.Bs Doãn Uyên Vy chia sẻ.

Chị H. cho biết gia đình chị đã phải “cắn răng” truyền thuốc mất hơn 1 triệu đồng mỗi ngày cho chị trong suốt 2 năm qua. “Lúc đó, dù rất tốn kém nhưng thuốc truyền vào chỉ giúp tôi duy trì việc ăn uống, ngủ nghỉ. Tôi không thể làm các hoạt động khác vì mỗi khi vận động, tôi đều cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. Vì vậy, trong 2 năm tôi gần như chỉ ở nhà và đợi đến giờ truyền thuốc mà thôi”, chị H. nhớ lại.

Theo ThS.Bs Doãn Uyên Vy, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thuốc giải độc kim loại nặng và sau 3 ngày truyền thuốc giải độc, bệnh nhân H. đã hồi phục, khỏe mạnh trở lại, không còn tình trạng mất protein qua đường ruột, qua đó chấm dứt việc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày…

“Đây là một trong những trường hợp bệnh tiêu biểu bị ảnh hưởng nặng nề của việc sử dụng thuốc không đúng cách. Việc nhiễm độc từ thuốc diễn ra âm thầm và biểu hiện như một bệnh lý nội khoa mà không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nguyên nhân. Bác sĩ của phòng khám Chống độc đã phối hợp cùng các bác sĩ nội khoa tìm ra nguyên nhân, giải quyết dứt điểm căn bệnh cho bệnh nhân H”.

Tương tự, theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khoa đã tiếp nhận bệnh nhân chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc phenformin sau khi dùng thuốc nam điều trị đái tháo đường. 

Cụ bà 75 tuổi có tiền sử đái tháo đường 15 năm và dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên thời gian gần đây, người bệnh lại bỏ việc điều trị, không duy trì đơn thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ mà sử dụng thuốc nam của lang y trên mạng. Do tin vào những lời quảng cáo rằng thuốc nam điều trị được tận gốc đái tháo đường, lại đỡ hại gan thận nên người bệnh đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua thuốc. Sau 1 tháng sử dụng thuốc nam nói trên, cụ bà có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân nên gia đình đã đưa đến cấp cứu tại viện", bác sĩ Hải thông tin.

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ nghi ngờ cụ bà bị ngộ độc phenformin - một loại thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm. Sau khi xét nghiệm, viên thuốc nam người bệnh sử dụng có thành phần phenformin. Sau 2 ngày lọc máu, chăm sóc và điều trị tích cực, người bệnh đã dần hồi phục.

Tiếp đến, bác sĩ Quách Thanh Tùng, khoa ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng vú trái sưng to, lở loét, hoại tử.

Theo điều tra bệnh án, bệnh nhân này mắc ung thư vú cách đây 1 năm và được các bác sĩ tư vấn nhập viện phẫu thuật cắt tuyến vú trái. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, chị xin ra viện và về nhà đắp thuốc nam. Sau một thời gian, khối u ngày càng to, biến dạng, chảy máu nhiều khiến người bệnh đau đớn, giảm cân, ăn uống kém. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ và nạo vét hạch, chuyển vạt da tự thân che phủ phần da bị tổn thương.

Không nên tùy tiện sử dụng thuốc nam 

Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, BV Trung ương Quân đội 108, cho biết, đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì nhiều lý do. Trong đó, bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, nhưng vì đông dược thường là hỗn hợp gồm rất nhiều chất nên khó xác định dị nguyên cụ thể. Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc. Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt, chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc... dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.

Do đó, để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.

Về phía thầy thuốc cũng phải khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Cần hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc nam một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho người bệnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang