Cảnh báo: Ngộ độc nặng do chuộng hóa chất xách tay không nhãn phụ

authorNgọc Nga 09:20 22/07/2023

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc với những hóa chất ghi tiếng Nhật, Trung, Hàn nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, hầu như ngày nào bác sĩ cũng tiếp nhận các ca ngộ độc hóa chất ăn mòn có thể tiếp xúc qua da hoặc qua đường uống.

Điển hình là trường hợp một nam bệnh nhân vào cấp cứu mới đây trong tình trạng ngộ độc hóa chất nặng, dạ dày, thực quản hoại tử. Các bác sĩ đã nhanh chóng nội soi cấp cứu ngay trong đêm. Nguyên nhân là nam bệnh nhân uống hóa chất chưa xác định rõ.

Theo bác sĩ Nguyên, nam bệnh nhân bị ngộ độc một loại hóa chất tẩy xi măng, vôi, tẩy cặn bề mặt trong xây dựng. Bệnh nhân có nguy cơ thủng thực quản, dạ dày, tá tràng bất cứ lúc nào. Các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh, thuốc phục hồi. Bệnh nhân không thể ăn uống nên dinh dưỡng chỉ được truyền qua đường tĩnh mạch.

Người tiêu dùng nên cảnh giác với các loại hóa chất gia dụng xách tay. Ảnh: Vietnamnet 

Theo các bác sĩ, đa số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Đối với người lớn, việc nuốt phải chất ăn mòn thường do có ý định tự tử cố tình nuốt phải lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. Nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Các sản phẩm công nghiệp thường đậm đặc hơn sản phẩm gia dụng và thường gây tổn thương nặng hơn.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hiện nay tình trạng ngộ độc hóa chất đang gia tăng. Đặc biệt, nhiều loại hóa chất gia dụng, thuốc để trong các lọ giống nhau là hàng xách tay không có nhãn tiếng Việt, dẫn tới người dùng bị ngộ độc do nhầm lẫn.

Thực tế, bác sĩ Nguyễn từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc với những hóa chất bằng tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn. Các bác sĩ phải sử dụng Google để dịch nhưng cũng không rõ chính xác là chất gì. Ngoài ra, tâm lý người Việt thường "sính" hàng xách tay, không có nhãn tiếng Việt, dẫn tới dễ nhầm lẫn trong sinh hoạt gây ngộ độc nặng.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo tốt nhất người tiêu dùng nên cảnh giác với các loại hóa chất gia dụng. Nên sử dụng các hóa chất có nhãn phụ tiếng Việt, biết rõ nguồn gốc. Khi tiếp xúc với hóa chất cần đeo găng tay. Các gia đình không nên bỏ hóa chất vào chai, lọ đựng đồ uống có thể khiến người khác uống nhầm.

Quy định chung về ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm hàng hóa

Hiện nay, nhiều hàng hoá nước ngoài khi được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam trên sản phẩm phải có ít nhất 2 loại nhãn, bao gồm nhãn gốc mang tiếng nước sản xuất và nhãn phụ mang tiếng Việt.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.

Quy định về ngôn ngữ trình bày trong nhãn hàng hoá đối với nhãn phụ: Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngôn ngữ trình bày trong nhãn hàng hoá đối với nhãn phụ được quy định như sau: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Quy định về việc ghi nhãn phụ: Theo Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) nhãn phụ sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hoá theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hoá.

Những hàng hoá không cần phải ghi nhãn phụ: Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, những hàng hoá không cần phải ghi nhãn phụ: Linh kiện nhập khẩu để thay thế linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hoá của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hoá đó, không bán ra thị trường. Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn phụ: Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP), đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định điểm a, b, c khoản 2 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu trữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hoá ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP trước khi đưa hàng hoá vào lưu thông tại thị trường Việt Nam.

Căn cứ quy định trên, nhãn phụ của hàng hoá phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hoá; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá.

Như vậy, các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh sản phẩm, hàng hoá nước ngoài tại thị trường Việt Nam cần đảm bảo các quy định về nhãn phụ hàng hoá.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang