Cảnh báo: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả bộ phận của cơ thể

author 06:23 03/02/2022

(VietQ.vn) - Mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí có thể gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây là vấn nạn toàn cầu không thể coi nhẹ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 92% dân số hiện đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. 

WHO cho biết, cần hành động khẩn cấp để giảm ô nhiễm không khí, cần xem gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra ngang bằng với hút thuốc và ăn uống không lành mạnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả bộ phận của cơ thể, từ não bộ cho tới thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.

 Ô nhiễm không khí có thể làm 7 triệu người tử vong mỗi năm. Ảnh minh họa

WHO cũng đã ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí (AQG) và cho rằng cần tuân thủ hướng dẫn có thể cứu sống hàng triệu người.

Hướng dẫn nhằm mục đích bảo vệ mọi người khỏi tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Chính phủ các nước sẽ tham khảo hướng dẫn của WHO để đặt ra các tiêu chuẩn ràng buộc về mặt pháp lý.

Lần gần nhất WHO ban hành AQG là vào năm 2005, có tác động đáng kể đến các chính sách giảm ô nhiễm không khí trên toàn cầu.

Các nhà khoa học hoan nghênh AQG nhưng lo ngại một số quốc gia sẽ gặp khó trong việc thực hiện, do phần lớn thế giới đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn cũ, ít nghiêm ngặt hơn.

Theo dữ liệu của WHO, vào năm 2019, 90% dân số toàn cầu sống trong môi trường không khí không lành mạnh, dựa theo AQG năm 2005. Một số quốc gia như Ấn Độ có tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn khuyến nghị năm 2005 của WHO.

Liên minh châu Âu tuy có tiêu chuẩn cao hơn đáng kể so với khuyến nghị cũ của WHO, nhưng vẫn có một số nước trong khối này không kiểm soát được mức ô nhiễm trung bình hằng năm, ngay cả khi công nghiệp và giao thông ngừng hoạt động do COVID-19.

Cũng theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí là sự thay đổi trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí độc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay có thể làm phá hỏng môi trường tự nhiên của nhiều loài sinh vật khác.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi ngày càng tăng cao.

Ô nhiễm không khí được chia làm hai dạng, gồm ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, ô nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người ở các nước phát triển và đang phát triển. Nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ nhiều nguồn khác nhau như khí thải giao thông, nhà máy công nghiệp, từ quá trình sản xuất nông nghiệp và một số nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, núi lửa.

Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với ô nhiễm không khí trong nhà. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng.

Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index - EPI) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam chúng ta là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2.5).

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

Tính đến tháng 2/2020, Việt Nam có gần 3,6 triệu xe ô tô và hơn 45 triệu xe máy. Các phương tiện này là nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí tại nước ta. Từ năm 2010 - 2017, nồng độ bụi PM2.5 luôn có xu hướng tăng mạnh. Từ năm 2019 đến nay, tình trạng cao điểm ô nhiễm khí xảy ra rất thường xuyên tại các thành phố lớn cả nước. Điển hình là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (Air Quality Index - AQI) tại các thành phố này dao động trong mức 150 - 200, đây là mức báo động rất nguy hiểm.

Qúy 1 và 2 năm 2021, tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã có sự cải thiện khá rõ rệt. Cụ thể, kết quả tính toán AQI của cả hai thành phố đều duy trì ở mức thấp và trung bình. Nguyên nhân chính là do sự bùng phát của dịch COVID-19. Trong thời gian dịch bệnh, do thực hiện cách ly xã hội nên lượng lưu thông của các phương tiện đã giảm đi đáng kể.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang