Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ máy cắt cỏ nếu chủ quan
Cảnh báo chiêu lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada
Sở Y tế TP.Hà Nội cảnh báo dịch tay chân miệng gia tăng
Cảnh báo tình trạng hoại tử vùng quanh rốn và lưng sau khi hút mỡ bụng
Việc sử dụng máy móc vào sản xuất để giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người sức của là điều cần thiết. Với giá thành khá rẻ, chỉ vài triệu đồng, người dân có thể mua một chiếc máy cắt cỏ bằng tay để về sử dụng, phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, khi sử dụng máy cắt cỏ trong sản xuất, người dân cần phải tìm hiểu kỹ cách dùng, kiểm tra máy móc nhằm bảo đảm an toàn lao động. Vì nếu chủ quan có thể gây thương tích bất cứ lúc nào.
Cụ thể, theo bác sĩ Phan Tuấn Nam, Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, hàng tuần bệnh viện tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn lao động. Hầu hết là tai nạn trong lao động nông nghiệp, trong đó các trường hợp nhập viện cấp cứu do bị tai nạn khi sử dụng máy cắt cỏ có chiều hướng tăng.
Điển hình ngày 25/10/2023 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã cứu sống thành công bệnh nhân M.V.D. ở xã Đắk Som (Đắk Glong) bị lưỡi dao cắt cỏ cắm sâu vào thành ngực trái. Được biết trong lúc đi cắt cỏ, không may lưỡi dao máy cắt va vào đá, gãy văng lên cắm sâu vào thành ngực trái của bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch, huyết áp không đo được, đau tức ngực dữ dội, khó thở. Qua nỗ lực của đội ngũ gần 10 y bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân đã được cứu sống và qua cơn nguy kịch.
Tiếp đến bệnh nhân B.C.M (SN 1994) trú tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công. Do trong khi dùng máy cắt cỏ, lưỡi cắt vô tình va phải đoạn thép, làm văng lên và cắm sâu vào cổ của anh M. Nghiêm trọng hơn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông từng ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị cắt lìa chân do máy cắt cỏ.
Trong vòng 3 ngày (13/4 - 16/4/2024), Bệnh viện An Phước, tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận 2 ca tai nạn lao động ở Hàm Thuận Nam do máy cắt cỏ gây ra.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam 51 tuổi nhập viện trong tình trạng mảnh kim loại từ lưỡi cắt cỏ ghim từ mặt lên não được chẩn đoán có vết thương sọ não trán, xuất huyết não trán. Kết quả cận lâm sàng là khối xuất huyết thùy trán trái, xuất huyết dưới nhện rãnh não thùy trán trái và rãnh Sylvian, xuất huyết trong hệ thống não thất và giãn hệ thống não thất, dị vật cản quang dạng hình trụ xuyên thành bên nhân cầu. Bác sĩ tiên lượng nặng, phải chỉ định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nam 30 tuổi nhập viện với vết thương đứt gần lìa cổ chân trái do sử dụng máy cắt cỏ gây tai nạn lao động. Kết quả chụp X-quang là gãy mặt sau xương sên cổ chân trái. Ê kíp bác sĩ cầm máu, đưa vào phòng mổ xử lý vết thương. Sau hậu phẫu, bệnh nhân tạm ổn.
Trước đó, tháng 5/2023, một nạn nhân ở Hàm Thuận Nam tử vong trong tai nạn lao động có liên quan đến máy cắt cỏ với vết cắt sâu trên đùi. Nghi rằng do máy cắt cỏ bị gãy lưỡi dao, văng vào chân dẫn đến tử vong. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị tai nạn trong quá trình lao động nông nghiệp khi sử dụng máy cắt cỏ. Thông qua câu chuyện như đề cập trên gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng tai nạn lao động trong nông nghiệp, đặc biệt sử dụng thiết bị, máy móc cơ giới hóa.
Sở Y tế tỉnh Bình Thuận thông tin, tỉnh Bình Thuận được biết đến là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước, đang được xem là “thủ phủ” thanh long của Việt Nam, với diện tích khoảng 26.500 ha. Với diện tích thanh long này, nhiều cỏ dại mọc xen nhằm cạnh tranh dinh dưỡng với cây thanh long và cỏ cũng là nơi trú ẩn của sâu bệnh, trước mỗi đợt bón phân. Vì vậy, người trồng cần làm sạch cỏ và xung quanh gốc thanh long bằng máy cắt cỏ - một thiết bị không thể thiếu với người trồng trọt chuyên canh.
Với máy cắt cỏ, hiện nay, người dân chủ yếu dùng lưỡi cắt bằng kim loại. Khi đang sử dụng máy cắt cỏ, lưỡi dao bằng kim loại của máy cắt va vào đá, vật cứng tạo thành mảnh mẻ hoặc gãy lưỡi cắt, văng lên cắm sâu vào bất cứ nơi nào trên cơ thể người cắt.
Được biết, người nông dân ở một số tỉnh khác không sử dụng máy cắt cỏ bằng lưỡi cắt kim loại, thay vào đó là lưỡi cắt bằng dây cước. Mục đích của việc thay thế này nhằm hạn chế tình trạng mảnh vỡ kim loại bị văng, ghim vào cơ thể người sử dụng.
Vì vậy để phòng, tránh tai nạn lao động trong nông nghiệp, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân tự bảo vệ bản thân, trang bị an toàn lao động. Nên chủ động trang bị các thiết bị bảo hộ lao động; kiểm tra thường xuyên và thay mới các thiết bị, dụng cụ lao động đã cũ. Thường xuyên kiểm tra lưỡi cắt trước khi sử dụng cắt bằng kim loại hay bằng cước. Nếu lưỡi cắt có dấu hiệu rạn nứt, lỏng vít, thì người dùng phải thay mới, siết chặt.
Ngoài ra người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về tính năng cũng như các sự cố có thể xảy ra của máy cắt cỏ để có thể sử dụng một cách thành thạo, đúng thao tác và an toàn nhất. Có như vậy mới tránh được những tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
An Dương (T/h)