Cảnh báo tình trạng mua bán filler, botox, tiêm tan mỡ giá rẻ tràn lan trên mạng

author 16:06 18/09/2024

(VietQ.vn) - Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cảnh cáo tình trạng mua bán filler, botox, tiêm tan mỡ... tràn lan trên mạng sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra nhiều vụ tai biến thẩm mỹ đáng tiếc.

Dù cảnh báo liên tục về tai biến do tiêm filler, botox, tiêm tan mỡ do "tay ngang" thực hiện tại các cơ sở chui không được cấp phép, nhiều người tiêm filler dẫn đến tai biến mờ mắt, nhiễm trùng, hoại tử, suy hô hấp... nhưng hiện tình trạng mua bán các chất này diễn ra rầm rộ, công khai trên mạng được quảng cáo là hàng xách tay, chỉ cần một cú nhấp chuột thuốc được gửi đến tận nhà.

Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "Filler, botox, tiêm tan mỡ chính hãng" trên sàn thương mại điện tử S., kết quả hàng loạt thuốc này xuất hiện với đủ loại giá và nguồn gốc. Một trang rao bán 10 lọ thuốc tiêm kích tan mỡ giảm béo hiệu M. loại 3ml vùng bụng, mông, đùi với giá hơn 2 triệu đồng, xuất xứ Mỹ.

Dưới sản phẩm không quên quảng cáo "Không cần dùng dao kéo để loại bỏ mỡ thừa ra khỏi cơ thể, các hợp chất hóa học này có thể phân tách mô mỡ thành nhiều hạt nhỏ li ti đồng nghĩa với việc hòa tan chất béo thành dạng bài tiết có thể hấp thụ và đào thải tự nhiên".

Trang này tự tin "khoe" thuốc chứa nhiều vitamin, axit amin giúp giảm cân tốt mà không gây hại cho sức khỏe. "Chỉ với vài lần tiêm có thể bắt đầu đợi chờ về thân hình nhỏ gọn, vòng eo "con kiến" như mong ước", trang này tư vấn. Trên video quảng cáo không quên giới thiệu các cách tiêm vào từng vị trí để tăng hiệu quả giảm mỡ.

Tương tự, một trang nước ngoài rao bán botox dùng để tiêm loại bỏ nếp nhăn mặt dạng lỏng. Theo bài viết quảng cáo, loại thuốc này sau khi tiêm lên mặt sẽ có tác dụng loại bỏ nếp nhăn nhanh chóng, nếu khách hàng đặt sẽ được gửi về trong vòng 24 giờ. Vỏ bao bì chai botox dạng lỏng được in chữ nước ngoài, hoàn toàn không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, các khuyến cáo khi sử dụng.

Tại sàn thương mại điện tử L. rao bán filler Hàn Quốc với giá hơn 300.000 đồng/hộp gồm 1 ống 1cc (1ml). Theo mô tả, sản phẩm này dùng để tiêm các vùng mũi, cằm, môi, hốc mắt, thái dương, ngoài ra còn có tác dụng tại các vị trí tiêm để tạo độ căng bóng. Ngoài thuốc, các loại kim tiêm, giáo trình xử lý tai biến filler, botox cũng được rao bán tràn lan khắp cõi mạng.

Trên mạng tràn lan tình trạng mua bán chất làm đầy, tiêm tan mỡ...trôi nổi gây ra không ít nguy hiểm cho người sử dụng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM đánh giá, việc rao bán filler, botox, tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng cho người tiêm thậm chí là tử vong. Tuy nhiên vì lợi nhuận một số cơ sở vẫn bất chấp pha trộn các thuốc này sau đó đem bán ra thị trường, tạo điều kiện cho các "tay ngang" sử dụng gây ra hàng loạt tai biến.

"Filler chính thống rất đắt tiền, thường 1cc giá trung bình là 5 triệu, nhưng filler trôi nổi trên mạng giá rất rẻ đa phần đều bị pha trộn, nhất là pha trộn silicon lỏng bị cấm sử dụng từ lâu. Nhiều ca tai biến sau khi tiêm các chất trôi nổi bị nhiễm trùng bác sĩ phải mổ lấy ra, gây sẹo đầy người. Đáng nói những chất tiêm này đều do "tay ngang" tiêm, thuốc bị pha trộn với các chất khác", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện còn một số nơi chuyên tổ chức hội thảo, lớp học bán filler, botox, tiêm tan mỡ trái phép. Cơ quan quản lý cần phải có biện pháp, không thả nổi, xử phạt thật nặng để răn đe đảm bảo an toàn cho người dân.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP. HCM cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp quyết liệt, chặt chẽ hơn trong công tác mua bán các chất filler, botox, tan mỡ, tránh nguy cơ tai biến cho người dân vì đây là những thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể, nếu để trôi nổi, sản phẩm không được kiểm chứng có thể dẫn đến các tai biến khó lường. Cần lưu ý khi tất cả những kỹ thuật tiêm, đưa thuốc vào cơ thể người phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, có tay nghề cao và cơ sở y tế có uy tín.

Thông tin thêm về tác hại khi tiêm filler, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng chia sẻ, tiêm filler an toàn nếu được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm hạn chế biến chứng xảy ra.

Ngoài ra Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra một số khuyến cáo, khi tiêm chất làm đầy cần tránh tiêm ở các chỗ như ngực, mông, khoảng trống giữa các cơ nhằm tạo đường nét. Điều này dễ để lại sẹo, nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Không dùng các thiết bị bơm tiêm không có kim tiêm đưa chất làm đầy vào da. Các thiết bị thường có áp suất cao, khó kiểm soát khi đưa chất làm đầy vào da. Vì vậy, dụng cụ tiêm này có thể để lại vết thương nghiêm trọng, thậm chí khiến da, môi và mắt tổn thương vĩnh viễn.

Không tự ý mua và dùng filler được bán tràn lan khắp thị trường. Các chất này không được kiểm định và có khả năng nhiễm các virus gây bệnh hoặc hóa chất độc hại.

Quy định trong quản lý mỹ phẩm

Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định hòa hợp trong quản lý mỹ phẩm của các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN); theo đó, ASEAN quy định: "Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt".

Thực hiện Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN và các quy định của Pháp luật Việt Nam như Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Quảng cáo, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa và các văn bản khác có liên quan, Bộ Y tế đã quy định quản lý mỹ phẩm trong Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011.

Trong Thông tư này ngoài các nội dung chung của các văn bản quy phạm pháp luật như phạm vi và đối tượng áp dụng, giải thích thuật ngữ, Bộ Y tế đã quy định cụ thể các nội dung như công bố sản phẩm mỹ phẩm (trình tự, cách thức, thủ tục công bố tiếp nhận số công bố, thời hạn hiệu lực của số tiếp nhận phiếu công bố, thay đổi nội dung đã công bố), các yêu cầu về Hồ sơ thông tin sản phẩm, yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm, ghi nhãn mỹ phẩm, xuất nhập khẩu mỹ phẩm; lấy mẫu và kiểm tra chất lượng mỹ phẩm, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán nhập khẩu mỹ phẩm và quyền của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 quy định về việc xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang