Cảnh báo trò chơi Gacha Life trên mạng nhiều trẻ đang chơi không lành mạnh như cha mẹ tưởng

author 06:10 13/05/2022

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ không nên thả lỏng để con trẻ chơi các trờ chơi trên mạng vì chúng chứa nhiều nội dung không lành mạnh. Một trong số đó là trò chơi Gacha Life.

Theo chia sẻ của chị Dương Minh Nguyệt, ngụ tại 53 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM: "Con gái tôi năm nay học lớp 5. Từ năm lớp 4, trong thời gian nghỉ học trực tiếp vì dịch Covid-19, cháu phải học trực tuyến nên tôi cho cháu sử dụng máy tính với điện thoại nhiều. Sau giờ học, tôi có thấy cháu chơi trò chơi trực tuyến. Theo dõi thì thấy con chơi trò Gacha Life. Con cứ hí hoáy trang trí cho những con búp bê bằng hình vẽ, sau đó ghép chúng lại thành đoạn clip rồi đăng lên kênh YouTube. Tôi xem qua thấy cũng không có gì nên để con chơi chứ không cấm đoán".

Cho đến một ngày gần đây, cô giáo chủ nhiệm của con chị Nguyệt gọi điện thông báo là có một phụ huynh trong lớp gọi điện yêu cầu cô giáo tách con chị ra khỏi con gái của phụ huynh đó, vì phát hiện con gái của chị có những ngôn từ yêu đương, nhớ nhung không phù hợp với lứa tuổi.

 Chơi trò Gacha Life trên mạng không lành mạnh cha mẹ nên biết để tránh cho trẻ chơi. Ảnh: Thanh Niên

"Tôi sốc thật sự. Tôi đã dành ra một đêm để đọc các cuộc trò chuyện của con với bạn bè trên Facebook thì tá hỏa khi con tuyên bố "tớ là lesbian, tớ thích con gái". Con tôi si mê bạn gái trong lớp kia nhưng bạn đó không thích lại, khiến con tôi có những trách móc, ghen tuông rất đáng sợ. Ngoài ra, con tôi còn chủ động nói chuyện với các bạn khác về giới tính và tình dục đồng giới một cách táo bạo", chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Nguyệt bắt đầu lên mạng tìm hiểu về trò chơi Gacha Life, rồi vào đọc từng bình luận dưới các clip mà con chị và cộng đồng của trò chơi này đưa lên, thì nhận ra có những nội dung không hề bình thường.

"Người chơi sử dụng ứng dụng để tạo các nhân vật theo phong cách anime rất dễ thương, đầy màu sắc. Họ có thể hóa trang cho nhân vật, tương tác với các nhân vật khác và tạo tiểu phẩm rồi đăng lên. Bản thân trò chơi không bao gồm bạo lực hoặc nội dung không phù hợp khác, nhưng do người chơi nhập vai tương tác nên một số thành viên của cộng đồng đã sử dụng trò chơi này để tạo ra các nội dung có vấn đề. Rất nhiều tiểu phẩm được đăng lên hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Đồng thời, các bình luận cũng rất độc hại như nói với nhau về tình dục đồng giới, chửi bậy, gửi link nhạy cảm cho nhau... Tôi chắc chắn con tôi đã bị ảnh hưởng khi tham gia trò chơi này", chị Nguyệt cho hay.

Chị Nguyễn An My làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu thiết bị y tế, có con học Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cũng kể: "Không chỉ trò Gacha Life đang thu hút rất nhiều học sinh tiểu học tạo ra những hệ lụy nguy hiểm tới sự phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ, rất nhiều bé được cha mẹ cho xem phim không phù hợp độ tuổi, tham gia các trò chơi trực tuyến có tính bạo lực với lý do "để chúng nó dạn". Lớp của cháu tôi có một bạn cứ thích bóp cổ các bạn khác. Khi hỏi mới biết vì cháu xem phim bạo lực nên bắt chước".

Thực tế, đây không phải là trò chơi dành cho trẻ em duy nhất mang tính chất độc hại, không lành mạnh mà trước đó đã có một số trò chơi trên mạng gây nhiều bức xúc cho các bậc phụ huynh như: Thử thách cá voi, trào lưu thử thách Momo...

Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện có nhiều nội dung độc hại trên mạng xã hội không được kiểm soát chặt chẽ đang âm thầm tiếp cận trẻ nhỏ. Nếu người lớn không quan tâm hoặc kiểm soát thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đó đặc biệt là những trẻ em có biểu hiện thu mình hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn hay có các sở thích khác thường… Lúc này cha mẹ cần trang bị cho con “hệ miễn dịch” thật tốt bảo vệ khỏi những tác hại tiêu cực của mạng xã hội.

Hàng ngày, những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân. Hạn chế cho trẻ xem các thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ. Ngoài ra, ba mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn.

Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng internet, mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Không ai khác, gia đình chính là lá chắn giúp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang