Cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

author 06:17 05/12/2020

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, giả danh là người nhà, người quen ... đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người dân.

Nhằm tạo nhiều kênh thông tin rộng rãi đến người dân, để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội thông báo một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay trên địa bàn và trên cả nước, cảnh báo tới từng người dân hãy nâng cao cảnh giác kịp thời phát hiện, tố giác bọn lừa đảo này với cơ quan Công an.

Công an Hà Nội cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh số điện thoại (hack số điện thoại bằng phần mềm điện thoại qua internet) giống hệt SĐT công khai của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền bạc hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh và gửi cả lệnh bắt, lệnh khám nhà của Công an, Viện kiểm sát nhân dân, … yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP (mã xác thực giao dịch khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử) để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với lý do là để xác minh điều tra.

 Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác đối với loại tội phạm này

Ngoài ra, các đối tượng còn có thể sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook, Zalo (hack nichk) giả là người thân, người quen biết để nhắn tin vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài.

Công an Hà Nội cho biết, đặc điểm nhận biết của đối tượng và bị hại là đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ẩn danh giả dạng dưới dạng số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thông báo cho bị hại. Hack tài khoản Facebook, Zalo để chiếm đoạt tài khoản, sau đó nhắn tin giả danh là người nhà, người quen để lừa tiền người thân của chủ tài khoản.

Về nạn nhân bị lừa đảo, qua công tác điều tra, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo đa phần là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan nhà nước …

Trước tình hình trên, Công an Hà Nội đưa ra khuyến cáo về một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này như sau:

- Nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số diện thoại, số CMND hoặc CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP … cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Không chuyển tiền khi chưa biết rõ đó có phải là người thân của mình không. Khi nhận được những tin nhắn như thế này, tốt nhất trước khi chuyển tiền phải liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhắn tin để xác minh, hoặc có thể gọi video nói chuyện để kẻ gian không thể giả mạo được.

- Khi dùng tài khoản Facebook, Zalo của mình phải kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, nhanh chóng cảnh báo cho bạn bè, người thân khi tài khoản bị chiếm đoạt để phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng.

Theo Công an thành phố Hà Nội, khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân cần báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất, gọi tới Đường dây nóng của Công an TP Hà Nội 113 hoặc trang Facebook Công an Hà Nội.

An Hạ

Xử lý và gỡ bỏ nhiều kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân(VietQ.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... đã bị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang