Cảnh giác trước ma trận tin giả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp

author 07:39 24/08/2021

(VietQ.vn) - Trong khi cả nước đang chung tay đối phó với dịch bệnh Covid-19, không ít cá nhân đã có hành vi đăng tải tin giả, xuyên tạc, bóp méo sự thật làm rối loạn thông tin, gây hoang mang dư luận

Vấn nạn tin giả vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Tin giả không những làm nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng xấu trong cộng đồng xã hội, nó còn gây hoang mang cho cộng đồng, nhất là những thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nguy hiểm hơn là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bằng thủ đoạn dùng tin giả để bôi nhọ, đặt điều nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, gây khủng hoảng niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Với sự bùng nổ của công nghệ đã tạo ra “thế giới ảo”, đó là "thế giới" đầy khiếm khuyết với vô số quan hệ ảo được thiết lập trên không gian mạng. tạo ra sự ngang bằng giữa cái thật và cái giả lẫn lộn. Kẻ xấu thì luôn lợi dụng và ẩn nấp trong kho tàng thông tin của nhân loại, thế giới ảo đã vô tình trở thành công cụ đắc lực cho tin giả, nhất là tốc độ lan truyền ghê gớm của nó. Vì thế mà tần suất và mức độ tin giả ngày càng gia tăng, những hành vi xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phát ngôn thô tục vô tội vạ... hàng ngày vẫn tràn lan trên mạng xã hội.

 

Nhiều cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đăng tải nội dung sai sự thật lên các trang mạng xã hội gây ra tình trạng nhiễu thông tin. Ảnh minh hoạ 

Mặc dù những hành vi tung tin giả đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt khi bị phát hiện nhưng có vẻ các khung xử phạt dường như chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhờn luật, theo đó trách nhiệm về đạo đức xã hội cũng bị các đối tượng xem nhẹ. Có những trường hợp thiếu tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong các khu cách ly tập trung nhưng lại đòi hỏi những yêu cầu vô lý, chỉ cần chưa hài lòng hoặc không được đáp ứng là họ sẵn sàng đưa điện thoại lên quay phim, chụp ảnh tung lên mạng kèm theo những ngôn từ ẩn chứa đầy tức tối, ích kỉ cá nhân, nói quá, nói sai sự thật, làm nóng vấn đề... rồi phát tán các thông tin không đúng sự thật này lên mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước.

Với mục đích có khi rất dớ dẩn, không ít những đối tượng tung tin giả bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm cho thấy có những trường hợp nhận thức và hiểu biết rất nông cạn, chỉ vì thích câu view, câu like để tạo sự nổi tiếng…, thậm chí có những tổ chức do chạy theo xu thế về tốc độ đưa tin nhanh nhất và sớm nhất nên đã vô tình đưa tin sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng gây hoang mang cho cộng đồng. Ngay cả những thông tin gây ảnh hưởng đến an ninh trận tự, gây hoài nghi, chia rẽ giữa các địa phương, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng Covid-19 cũng như công tác phòng chống dịch bệnh ở một số nơi, một số địa phương cũng bị tung tin giả...

Cụ thể, chủ một tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin "phong toả Hà Nội" có kèm hình ảnh minh hoạ vào ngày 10/05/2021. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) phát hiện kịp thời và nhận định, thông tin được chia sẻ hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Công an thành phố đã chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để ra quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với anh D. theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về hành vi “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử đưa thông tin sai sự thật”.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin có nội dung, "Bí thư TP chỉ đạo: Sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày; Cơ bản không để cho người dân di chuyển trong 7 ngày. Ngày mai, quận huyện sở ngành chuẩn bị phương án cho việc thực hiện". Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định thông tin được phát tán trên mạng xã hội là không chính xác. Đồng thời, Sở cũng lưu ý, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Vì vậy, người dân cần theo dõi, nắm bắt thông tin qua các kênh thông tin chính thống; không chia sẻ các thông tin chưa được xác thực.

Trước những tin giả bủa vây ở hầu hết mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhiều khi làm cho cộng đồng phát hoảng, không biết đâu là thật, đâu là giả. Tuy nhiên, cộng đồng cũng không nên quá hoang mang, nếu để ý một chút thì cũng không phải là quá khó để nhận biết tin giả, bởi hầu hết tin giả đều do các cá nhân sử dụng mạng xã hội để tung tin. Vì thế khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin phi chính thống buộc chúng ta phải cảnh giác, đề phòng, đặc biệt là không nên chia sẻ một cách tùy tiện, nếu không cẩn thận thì ai cũng có nguy cơ mắc phải lỗi phát tán tin giả.

Trong khi cả xã hội đang căng mình để đối phó dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới có tốc độ lây lan nguy hiểm thì đâu đó vẫn có những phần tử thiếu lương tri, thờ ơ với nỗi đau của đồng loại. Những kẻ tung tin giả gây nguy hại cho người khác và xã hội không những vi phạm pháp luật mà còn khiếm khuyết về đạo đức.

Khi tin giả bủa vây xã hội, không chỉ đòi hỏi sự thông thái của cộng đồng mà còn đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải theo kịp thực trạng, dự báo được những nguy cơ phát sinh tin giả để có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến rộng rãi đến cộng đồng các văn bản quy phạm liên quan đến các hành vi tung tin giả, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sử dụng mạng xã hội nói chung và phát tán tin giả nói riêng, theo đó xã hội cũng bớt đi những phen "phát hoảng" vì tin giả!

Chính vì vậy, người dân cần kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, nói “không” với những thông tin sai sự thật. Đó là cách để chúng ta tự bảo vệ mình và góp phần xây dựng môi trường thông tin mạng thực sự an toàn, văn minh. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện sớm tin giả, tin sai sự thật nói chung, tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng để lực lượng Công an vào cuộc kịp thời và truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến phát tán, tung tin giả, tin sai sự thật.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

 Diệu Hương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang