Cảnh giác để không mua phải hàng kém chất lượng trước chiêu trò 'đặt đơn ảo' online

author 19:58 27/09/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay nhiều người tiêu dùng bị mất tiền oan mua phải hàng kém chất lượng chỉ vì tin tưởng vào lượng tương tác lớn tại các shop bán hàng trên mạng. Thực tế đây là chiêu trò đặt đơn ảo nhằm thu hút người mua.

Mua sắm online trên các nền tảng mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang trở nên phổ biến thời gian trở lại đây. Sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp giành thị phần trong mảnh đất màu mỡ này.  

Theo thống kê, tốc độ phát triển TMĐT tại Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20%. Dự kiến, đến năm 2025 con số này có thể lên đến 29%, với giá trị khoảng 234 tỷ USD và sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới.

Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 6 thị trường trọng điểm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về mua sắm giải trí thuộc khu vực APAC bên cạnh Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Các ngành hàng tăng trưởng mạnh nhất bao gồm thời trang, làm đẹp, thực phẩm và thiết bị điện tử. 

Để có được doanh thu khủng như số liệu thống kê, các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada tại Việt Nam có những chính sách khuyến khích người bán hàng nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm như thực hiện các nhiệm vụ để được một lần đẩy sản phẩm miễn phí, tạo mã giảm giá để nhận xu của shop,...

Bên cạnh những cách thức quảng cáo gian hàng chính thống theo đúng chính sách của các sàn TMĐT thì trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều dịch vụ giúp chủ gian hàng luồn lách qua khâu kiểm duyệt của Shopee, Lazada.

 Nhiều người mắc bẫy mua phải hàng kém chất lượng do tin tưởng vào lượng tương tác bán hàng của các gian hàng online. Ảnh: VnExpress

Nhiều người mắc bẫy mua phải hàng kém chất lượng trước chiêu trò 'đặt đơn ảo'

Cụ thể, có rất nhiều các nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội Facebook cũng cấp các dịch vụ đặt đơn ảo, tăng tương tác cho các gian hàng với các mức giá khác nhau nhằm thu hút nhiều khách hàng tham gia mua sắm. Thực tế đã không ít người tiêu dùng 'mắc bẫy' mua phải hàng kém chất lượng.

Điển hình, mới đây thấy gian hàng kính mắt có nhiều lượt bán kèm đánh giá tốt từ người mua trước đó, Minh Tâm (Hà Nội) quyết định đặt đơn giá vài triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, kính có độ hoàn thiện kém, mẫu mã không giống như quảng cáo. Chủ gian hàng trên website thương mại điện tử tỏ ra khó chịu và đôi co khi Tâm yêu cầu trả hàng, hoàn tiền. "Họ nói những người mua trước đều hài lòng, do đó phản hồi của tôi không chính xác, không có cơ sở", cô nói.

Tìm hiểu kỹ hơn, Tâm nhận thấy gian hàng mới mở thời gian ngắn nhưng doanh số cao bất thường. Một số người có kinh nghiệm trên các hội nhóm mua sắm online cho rằng đây là dấu hiệu chủ shop có thể đã thuê cộng tác viên đặt đơn và đánh giá tốt, bởi những người mua hàng mới có thể viết review về sản phẩm, từ đó leo lên top tìm kiếm và thu hút thêm những người mua khác.

Theo Đặng Quang Huy, quản trị viên một nhóm Facebook chuyên về mua hàng trực tuyến, người dùng thường được khuyên nên đọc nhận xét của những người mua trước về món hàng trước khi quyết định đặt. Tuy nhiên, tương tự Minh Tâm, các thành viên cũng phản ánh từng mất tiền vì mua phải món đồ kém chất lượng ở những shop thoạt nhìn rất uy tín, có lượt bán "khủng", nhiều đánh giá năm sao. Nhiều trong số đó không thể yêu cầu hoàn trả do khi sử dụng mới nhận ra hàng không như quảng cáo.

Theo ông Huy, trước đây để làm giả thống kê hiệu suất bán hàng, nhiều gian hàng sử dụng bot hoặc tạo tài khoản ảo để tự thêm đơn. Tuy nhiên, khi bị thuật toán của sàn thương mại điện tử truy quét, các chủ shop bắt đầu chọn cách dùng tiền mặt để thuê người đặt đơn.

Cụ thể, thông qua hội nhóm Facebook, Zalo, người tham gia sẽ tạo đơn COD theo hướng dẫn của cửa hàng. Khi hàng được giao, người mua không trực tiếp thanh toán mà gọi điện nhắc shop chuyển khoản cho shipper. Nhờ hoàn tất đánh giá năm sao kèm bình luận tích cực về sản phẩm, họ nhận tiền công từ chủ gian hàng.

Trong nhiều trường hợp, người dùng được hướng dẫn thiết lập nơi nhận hàng gần với địa chỉ cửa hàng. Chủ shop sẽ nhận và thanh toán cho chính đơn đó của mình, người mua không phải làm gì ngoài thực hiện thao tác đặt trên ứng dụng điện thoại.

Nhiều người đặt đơn hộ bị sàn thương mại khóa tài khoản

Hoàng Phương, sinh viên tại Hà Nội, cho biết phải mượn tài khoản của em gái để mua hàng online sau khi tài khoản bị khóa. Trước đó, nhằm kiếm thêm thu nhập, cô tham gia chiến dịch đặt đơn hộ trên mạng, dẫn đến việc họ tên, số điện thoại của cô bị sàn liệt vào danh sách đen và ngừng cung cấp dịch vụ.

"Khi hoàn thành mỗi đơn, tôi được họ trả 10.000-15.000 đồng", Phương nói. "Trước khi bị khóa tài khoản, trung bình mỗi ngày tôi đặt thành công hơn 10 đơn".

Tương tự, Mạnh Linh (Hà Nội) cũng mất quyền tham gia mua sắm trên một số nền tảng vì gian lận. Vào những đợt sale lớn, phía sàn sẽ cấp mã giảm giá theo phần trăm giá trị đơn hàng. Khi móc nối với chủ shop, Linh được chia sẻ một phần tiền chênh lệch từ đơn hàng đặt hộ có áp mã.

"Thông thường, các sàn thương mại điện tử trợ giá 10% giá trị đơn hàng trong đợt sale lớn. Với đơn đặt hộ trị giá một triệu đồng, tôi và chủ shop chia khoản tiền 100.000 đồng theo tỷ lệ thỏa thuận trước", anh nói.

Linh cho biết tài khoản bị khóa không được mở lại dù đã liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng. Số điện thoại và thông tin ngân hàng từng liên kết với sàn cũng không thể dùng để tạo tài khoản mới do bị đánh dấu "có liên quan tới hành vi gian lận".

Thuật toán của các nền tảng thường ưu tiên gian hàng đạt doanh số cao, nhiều đánh giá năm sao từ người mua. Do đó, tình trạng đặt hộ đơn đang làm sai lệch thống kê, khiến các cửa hàng kinh doanh trung thực chịu thiệt khi không giành được vị trí tốt trên đề xuất tìm kiếm.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Shopee, một trong những nền tảng thương mại phổ biến tại Việt Nam, cho biết đặt đơn hộ là hành vi gian lận nhằm tăng các chỉ số ảo, ảnh hưởng đến quá trình mua sắm của người dùng. Vì vậy, tài khoản tham gia sẽ bị xử lý theo quy định của nền tảng. Theo chính sách đăng tại trang thông tin người bán, gian hàng vi phạm sẽ bị xóa số lượt bán và đánh giá sản phẩm, giới hạn tài khoản hoặc khóa vĩnh viễn. Với người bán thuộc Shopee Mall, việc tự đặt hàng sẽ bị phạt 2.000.000 đồng cho mỗi đơn gian lận.

Các nền tảng cũng thường xuyên xem xét và lọc ra các đơn hàng đáng nghi từ người mua. Nếu phát hiện hành vi tăng chỉ số ảo, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tất cả đơn hàng, đánh giá, lượt thích từ người mua cũng bị gỡ khỏi gian hàng liên quan. Nền tảng cũng khuyến khích các chủ cửa hàng báo cáo những đơn vị vi phạm nhằm đảm bảo sự công bằng cho cả bên mua và bán.

Riêng về quản lý TMĐT, để hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Cục đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các cơ quan có liên quan như: Công an, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ… để tập trung đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh TMĐT.

Để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử, góp phần kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm trên internet, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Trần Văn Dũng cho biết, cùng với việc thực hiện nghiêm Kế hoạch số 888 (Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025) của Tổng cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp cần phối hợp với ngành chức năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc ứng dụng công nghệ số chống hàng giả. Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang