Cắt giảm thủ tục hành chính, kịp thời ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp

author 08:47 13/10/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh khó khăn này, cần kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục cản trở để kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

Thời gian qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp gây ảnh hương tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tới 200.000 – 300.000 tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền.

Việc dần mở cửa trở lại chính là gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn, đó là: giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được; chuỗi cung ứng đứt gẫy; chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ'' - dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

“Cùng lúc doanh nghiệp phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Vũ Tiến Lộc lo ngại.

Khảo sát của VIAC cũng cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của doanh nghiệp không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng, chuyển đi nơi khác. “Chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã lỡ mất khoảng 20% cơ hội thị trường”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, để xây dựng được doanh nghiệp vững mạnh phải mất rất nhiều thời gian, lên tới 20 – 30 năm và rất nhiều tiền của để trả lương cho nhân viên, chi trả bảo hiểm, đóng thuế…

Do đó, để tránh các thiệt hại lớn trong thời gian khó khăn này, cần kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, thông qua việc cho doanh nghiệp nợ cũng như giãn thời hạn trả. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các thủ tục cản trở, hạn chế đối với doanh nghiệp để kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp lúc này.

Ngoài ra, ông Lộc cho biết, hiện nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế. Việc mở cửa chính là gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp “thở” được. Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho doanh nghiệp, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

 Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang