Chất lượng TPBVSK không như quảng cáo, người tiêu dùng liệu có bị ‘qua mặt’?

author 07:02 21/03/2023

(VietQ.vn) - Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng một số sản phẩm lại được quảng cáo giống như loại thuốc có khả năng chữa bệnh tiểu đường.

Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh mãn tính, biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường nếu không được điều trị theo phác đồ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như các bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương...

Bởi vậy, khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh thường lo lắng, tìm mọi phương pháp chữa trị. Nắm bắt tâm lý này, bên cạnh các loại thuốc có khả năng làm thuyên giảm, kiểm soát tình trạng bệnh, thị trường cũng có nhiều sản phẩm dinh dưỡng, TPBVSK dành cho người bị tiểu đường. Các sản phẩm này thường được dùng để thay thế bữa ăn phụ của người bị tiểu đường, cung cấp chất dinh dưỡng cho người gặp tình trạng thiếu chất, ăn kiêng…

Trên thị trường thời gian gần đây, các sản phẩm dinh dưỡng, sữa ngũ cốc, sữa non dành cho chế độ ăn kiêng đang được nhiều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là những người bị tiểu đường phải ăn kiêng và thiếu chất dinh dưỡng. Chính vì lẽ này, những sản phẩm dinh dưỡng, sữa ngũ cốc, sữa non được nhiều người săn đón.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có chất lượng tốt, thị trường cũng xuất hiện không ít sản phẩm kém chất lượng khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”. Thậm chí, vì lợi nhuận, một số đơn vị kinh doanh không ngần ngại "thổi phồng" công dụng, chất lượng của các sản phẩm sữa non, quảng cáo sai sự thật về chất lượng của sản phẩm này nhằm lôi kéo, lừa người tiêu dùng mua sản phẩm. Chỉ đến khi người dùng dùng sản phẩm mà chất lượng, hiệu quả không được như ý thì đã muộn vì họ không biết phải tìm đến ai để đòi bồi thường.

Thời gian vừa qua, trên một số website, trang mạng xã hội đang quảng cáo một số sản phẩm TPBVSK, trong đó có Tensicare vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tại các website trên, sản phẩm Tensicare được quảng cáo với công dụng hỗ trợ giúp làm giảm các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, hỗ trợ giúp ngừa nguy cơ tăng huyết áp, giúp bảo vệ thành mạch,... Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare do Công ty TNHH Nature Origin (Địa chỉ trụ sở chính: Số 152 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare vi phạm quy định quảng cáo. 

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Liên quan tới vấn đề trên, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang